MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi trong một cuộc họp báo ở Rome, Italy, ngày 10.6.2009. Ảnh: Xinhua

Phương Tây phạm sai lầm lớn khi để Tổng thống Libya Gaddafi bị sát hại

Ngọc Vân LDO | 17/08/2023 19:00

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị các chiến binh hành quyết trong cuộc can thiệp quân sự của NATO năm 2021.

Các cường quốc phương Tây đã phạm sai lầm lớn khi giúp lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi trong một chiến dịch thay đổi chế độ năm 2011 - RT dẫn lời Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết, thừa nhận cái chết của ông đã mở ra nhiều năm hỗn loạn và xung đột ở quốc gia châu Phi này.

Phát biểu bên lề một sự kiện ở Tuscany hôm 16.8, ông Tajani mô tả những rắc rối của Libya kể từ khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ và sát hại, nói rằng Gaddafi "chắc chắn tốt hơn những người đến sau".

“Sai lầm cực kỳ nghiêm trọng là để Gaddafi bị sát hại. Ông ấy có thể không phải là nhà dân chủ, nhưng một khi ông ấy không còn nữa, sự bất ổn chính trị đã đến Libya và châu Phi” - Phó Thủ tướng Tajani nói, đồng thời lưu ý rằng Italy có thỏa thuận với nhà lãnh đạo Gaddafi nhằm “ngăn chặn dòng người di cư và tình hình đã ổn định hơn nhiều”.

Tổng thống Gaddafi đã bị các chiến binh nổi dậy hành quyết dã man trong một chiến dịch ném bom của NATO, được tiến hành với lý do áp đặt vùng cấm bay trong cuộc nội chiến năm 2011 ở Libya.

Mặc dù Mỹ và các đồng minh mô tả nhiệm vụ này là một nỗ lực “nhân đạo” nhằm chấm dứt các cuộc tấn công của chính phủ nhằm vào dân thường, song một cuộc điều tra của Hạ viện Anh sau đó phát hiện ra rằng “mối đe dọa đối với dân thường đã bị cường điệu hóa”, và rằng các cường quốc phương Tây đã bỏ qua “nhân tố Hồi giáo quan trọng” trong số các chiến binh chống Gaddafi.

Hậu quả của việc thay đổi chế độ ở Libya là nước này bị chia rẽ giữa một số chính phủ cạnh tranh nhau, mỗi bên đều tuyên bố tính hợp pháp để cai trị.

Các phe phái đã tiếp tục chiến đấu trong những năm kể từ khi Gaddafi bị sát hại, cuối cùng chia thành hai chính phủ song song là chính phủ thống nhất quốc gia có trụ sở tại Tripoli được Liên Hợp Quốc công nhận và chính phủ được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn có trụ sở tại Tobruk.

Chủ nghĩa khủng bố cũng hồi sinh trên khắp Bắc Phi sau cái chết của Gaddafi. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm có liên hệ với Al-Qaeda thiết lập các thành trì ở Libya và nhiều quốc gia khác. Đến tháng 7.2014, ước tính có khoảng 1.600 phe chiến binh đang hoạt động ở Libya, tăng mạnh so với con số 300 được thống kê vào năm 2011, theo Viện Hòa bình Mỹ.

Mặc dù hai chính phủ tham chiến đã rơi vào thế bế tắc trong những năm gần đây, Libya vẫn tiếp tục đối mặt với các đợt bạo lực liên tục. Các cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang đối địch khiến 27 người chết và hơn 100 người bị thương vào đầu tuần này.

Lặp lại những tuyên bố trước đó, Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về các sự cố và diễn biến an ninh ở Libya, trong khi Mỹ kêu gọi giảm leo thang để duy trì những lợi ích gần đây của Libya và tiến tới ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn