MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phương Tây tụ hợp ứng phó xung đột Nga-Ukraina

Ngạc Ngư LDO | 28/03/2022 09:12

Tuần vừa qua, các nước trong khối phương Tây tổ chức loạt sự kiện cấp cao nhằm thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để cùng đối phó Nga trong bối cảnh tình hình là chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina bước sang tháng thứ 2.

Trước hết là hội nghị cấp cao của NATO, tiếp đến là hội nghị cấp cao của nhóm G7 và cuối cùng là cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước thành viên EU với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tất cả đều được triệu tập gấp gáp. Ông Biden tới Châu Âu tham dự 3 sự kiện nói trên và sau đó tới Ba Lan - một trong những thành viên EU và NATO tiếp giáp với Ukraina.

Tất cả những hoạt động này của các nước thuộc khối Phương Tây đều có ý nghĩa biểu trưng về chính trị trước hết là thể hiện sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ, ủng hộ Ukraina và quyết tâm đối phó Nga. Ông Biden tới Ba Lan và là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự một cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo của tất cả các thành viên EU cũng nhằm chủ đích ấy. Các nước thuộc khối này đều coi việc nội bộ khối phương Tây đoàn kết thống nhất như chưa từng thấy là công lao lớn của cá nhân ông Biden.

NATO quyết định tăng cường triển khai quân đội và vũ khí ở sườn phía đông của liên minh, khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên trong trường hợp bị Nga tấn công quân sự, nhưng đồng thời không can dự trực tiếp vào diễn biến chiến sự ở Ukraina, tránh đụng độ quân sự trực tiếp với Nga. NATO cũng còn quyết định kích hoạt cơ chế đối phó chiến tranh hoá học và sinh học.

Nhóm G7 quyết định tiếp tục gia tăng mức độ các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có việc quyết tâm không để cho Nga tiếp cận và sử dụng mọi nguồn ngoại tệ, đặc biệt là sử dụng dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga để ở bên ngoài nước Nga.

EU tập trung bàn giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng trước áp lực của Mỹ thôi thúc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga và sau khi phía Nga quyết định buộc các khách hàng nhập khẩu khí đốt của Nga thuộc diện các quốc gia bị Nga coi là không thân thiện phải thanh toán bằng đồng rúp. Kết quả là EU thông qua chủ trương mua khí đốt cho cả liên minh và ký kết với Mỹ thoả thuận về việc Mỹ tăng cường cung ứng khí đốt hoá lỏng cho EU để thay thế năng lượng từ Nga. Với những quyết định nói trên, EU sẽ thêm lệ thuộc vào Mỹ nhưng sẽ nhanh chóng hơn dự định ban đầu thoát khỏi mức độ lệ thuộc hiện tại vào cung ứng năng lượng từ Nga.

Cho dù tìm mọi cách phô trương sự đoàn kết nhất trí nội bộ ra bên ngoài, cả NATO lẫn G7 và EU vẫn chưa khắc phục được hết mọi bất đồng quan điểm liên quan đến chính sách đối với Nga và cuộc chiến sự ở Ukraina cũng như trên phương diện ủng hộ Ukraina. Cả ba thể chế và tổ chức này đều khẳng định đứng về phía Ukraina nhưng đều không đáp ứng hoàn toàn tất cả mọi yêu cầu của phía Ukraina phục vụ cho cuộc chiến với Nga ở Ukraina. NATO cung cấp vũ khí cho Ukraina nhưng không phải Ukraina muốn bao nhiêu vũ khí gì cũng đều được đáp ứng. NATO không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraina. Nhóm G7 chỉ thể hiện ý chí chính trị là chính chứ chưa thấy có ý tưởng chiến lược gì mới. EU về cơ bản vẫn ba phe bảy phái trong chuyện tẩy chay năng lượng của Nga bởi mỗi thành viên lệ thuộc ở mức độ khác nhau vào cung ứng năng lượng từ Nga.

Dù vậy, điều có thể thấy được rất rõ là các nước trong khối phương Tây đang củng cố nội bộ, hạ quyết tâm mới và tìm kiếm biện pháp chính sách mới nhằm buộc Nga nhanh chóng chấm dứt chiến sự ở Ukraina, cũng như không còn có thể đe doạ thật sự an ninh của các nước thành viên EU và NAT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn