MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 4.7, Qatar có động thái mới liên quan đến cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Ảnh: Reuters

Qatar chuẩn bị “đương đầu” lâu dài với các nước vùng Vịnh?

Hà Liên LDO | 05/07/2017 08:08
Qatar tuyên bố các kế hoạch tăng công suất sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vào ngày 4.7, một động thái cho thấy nước này sẵn sàng cho một cuộc tranh chấp kéo dài với các quốc gia láng giềng vùng Vịnh. Chính quyền Doha cũng cho biết, đã làm tất cả có thể để đạt được thỏa thuận hòa giải.

“Những gì Qatar thực hiện cho thấy thiện chí cho một giải pháp mang tính xây dựng, trên cơ sở đối thoại. Chúng tôi tin những điều đó đủ để cho thấy chúng tôi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm từ phía mình”, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani phát biểu trong một cuộc họp báo ở Doha. Ông cũng bày tỏ rằng các biện pháp trừng phạt với cáo buộc chống khủng bố là các bước đi bất hợp pháp.

Ba quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao, giao thông vận tải với Qatar đã làm dấy lên mối lo ngại khắp khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới. Các nước phương Tây lo ngại một cuộc tranh chấp kéo dài, ngoài đe dọa bất ổn chính trị còn làm rối loạn chuỗi cung ứng trong khu vực trọng yếu về cung cấp năng lượng.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel bày tỏ Qatar đã thể hiện sự kiềm chế trong cuộc khủng hoảng này và “hi vọng các quốc gia khác cũng hành động với một tinh thần tương tự”.

Qatar khẳng định, nước này sẵn sàng đáp ứng bất cứ yêu cầu “hợp lý”. Nhưng quốc gia vùng Vịnh với hơn 2 triệu dân này miễn cưỡng trong việc đáp ứng các yêu cầu trong tối hậu thư của 4 quốc gia trên như đóng cửa đài truyền hình Al Jazeera, đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này, vì xem đây là những vấn đề ảnh hưởng tới chủ quyền Qatar.

Ngày 4.7, Qatar Petroleum, công ty hóa dầu thuộc sở hữu của nhà nước Qatar, tuyên bố các kế hoạch nâng công suất sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng lên 30%. Quyết định có hiệu lực thi hành ngay lập tức này sẽ tác động xấu tới thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng mà hiện Australia, Mỹ và Nga cạnh tranh.

Khí thiên nhiên hóa lỏng buộc phải vận chuyển bằng tàu chở dầu và việc vận chuyển bằng đường ống là không khả thi.

Giám đốc điều hành của Qatar Petroleum Saad al-Kaabi cho biết, hãng sẽ tăng lượng sản xuất từ mỏ khí North Field khai thác chung với Iran lên 20% trong dự án mới. Hồi tháng 4, nước này đã tuyên bố về việc phát triển dự án mới ở miền nam nâng sản lượng LNG của Qatar lên 30%, từ 77 triệu tấn lên 100 triệu tấn mỗi năm trong 5 đến 7 năm tới.

Quyết định này sẽ gây ảnh hưởng trên thị trường quốc tế.

Với chi phí sản xuất thấp và các nhà máy LNG gần với khách hàng châu Âu và châu Á, động thái của Qatar khiến các nhà sản xuất của Mỹ đối diện với khó khăn trong việc bán hàng và các dự án đang cần vốn sẽ đối mặt với việc khó tìm nhà đầu tư.

Việc dư thừa LNG sẽ khiến giá giảm xuống. Giá LNG ở châu Á đã giảm hơn 40% trong năm nay xuống còn 5.50 USD/mmBtu và giảm 70% so với mức cao nhất năm 2014.

Cho đến nay, phần lớn LNG cung cấp thông qua các hợp đồng dài hạn giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng nên rất ít sự linh hoạt và trong nhiều trường hợp cản trở các nhà nhập khẩu bán lại. Với nguồn cung vượt xa cầu, các nhà phân tích cho rằng sẽ tạo ra nhiều giao dịch LNG tự do hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn