MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

QUAD cam kết bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Hải Anh LDO | 25/05/2022 08:11

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese gặp mặt trực tiếp tại Tokyo ngày 24.5 cho hội nghị thượng đỉnh thứ 4 của nhóm "Bộ Tứ kim cương" QUAD và là hội nghị trực tiếp thứ 2, sau cuộc gặp ở Washington vào tháng 9 năm ngoái. Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ tái khẳng định quyết tâm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Lần ra mắt của tân Thủ tướng Australia

Việc tham dự thượng đỉnh Bộ Tứ của tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese, người vừa tuyên thệ chỉ một ngày trước đó, phản ánh nền tảng Đối thoại Tứ giác An ninh (tên chính thức của Bộ Tứ) đã nổi bật như thế nào kể từ khi 4 nước thành lập nhóm nòng cốt không chính thức để lãnh đạo hỗ trợ quốc tế sau trận động đất ở Sumatra năm 2004, Nikkei nhận định.

Tương tự, AP cũng cho rằng, nhà lãnh đạo Australia đã thể hiện sự quyết tâm tham gia liên minh không chính thức khi đến Tokyo ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 23.5.

Trong khi đó, Reuters cho hay, tân Thủ tướng Australia Anthony Albanesebày tỏ sự ủng hộ sứ mệnh của nhóm Bộ Tứ là duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. “Chúng tôi đã có sự thay đổi chính phủ ở Australia nhưng cam kết của Australia với nhóm Bộ Tứ không đổi và sẽ không thay đổi" - Thủ tướng Albanese khẳng định. 

"Các ưu tiên mới của chính phủ Australia phù hợp với chương trình nghị sự của Bộ Tứ, thực hiện hành động về biến đổi khí hậu và xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn thông qua an ninh kinh tế tốt hơn, an ninh mạng tốt hơn, an ninh năng lượng tốt hơn cũng như an ninh môi trường và sức khỏe tốt hơn" - Thủ tướng Albanese phát biểu tại hội nghị. Ông Albanese cũng nhận định, Bộ Tứ sẽ "kiên định với các giá trị và niềm tin" của nhóm để tăng cường sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tân Thủ tướng Australia bày tỏ mong muốn tất cả các nước trong nhóm dẫn đầu về ứng phó biến đổi khí hậu. Tân Thủ tướng Anthony Albanese cũng cho hay, chính phủ của ông cam kết tập trung nhiều hơn vào Đông Nam Á và "sử dụng sức mạnh của sự gần gũi" để tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng và hàng hải ở Thái Bình Dương.

Cam kết của Bộ Tứ

Tại hội nghị Bộ Tứ ngày 24.5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các nhà lãnh đạo đang “vượt qua một thời khắc đen tối trong lịch sử chung" vì chiến sự Nga - Ukraina. Ông nhấn mạnh, đây "không chỉ là vấn đề của Châu Âu mà còn là một vấn đề toàn cầu".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập là "mục tiêu chung của tất cả chúng ta". Ông ca ngợi Bộ Tứ đã đảm bảo "một vị trí quan trọng cho mình ở tầm toàn cầu trong một khoảng thời gian ngắn như vậy". Đề cập đến sự phối hợp của Bộ Tứ trong các lĩnh vực như phân phối vaccine COVID-19 và các hành động về khí hậu, Thủ tướng Modi lưu ý: "Bộ Tứ có một chương trình nghị sự mang tính xây dựng cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẽ củng cố hơn nữa hình ảnh của nhóm như một lực lượng vì điều tốt đẹp".

Cuộc họp Bộ Tứ diễn ra vào ngày cuối cùng trong chuyến công du Châu Á kéo dài 5 ngày của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chia sẻ với báo giới trong cuộc họp báo chung với ông Kishida ngày 23.5, tổng thống Mỹ nói rằng: "Nhóm Bộ Tứ đang cho thế giới thấy rằng, hợp tác giữa các nền dân chủ có thể hoàn thành những việc lớn". Mối quan hệ đối tác Bộ Tứ ngày càng tăng cường hơn khi ông Biden đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ để tập trung nhiều hơn vào khu vực. Cả 4 quốc gia Bộ Tứ đều là những thành viên đầu tiên trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) mà Mỹ công bố ngày 23.5.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn