MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cửa sổ của quán cà phê ảo ở bất cứ đâu. Ảnh: G1

Quán cà phê Nhật Bản kết hợp thế giới thực và du lịch ảo

Thanh Hà LDO | 18/04/2023 15:00
Nhật Bản, một quán cà phê được thiết lập như một phòng thí nghiệm để định hình tương lai của ngành du lịch.

Du lịch ảo - vốn tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch khi việc đi lại trên khắp thế giới bị hạn chế - đang bước vào một giai đoạn mới khi du lịch trong thế giới thực nối lại. 

Bất chấp lo ngại du lịch ảo đang đi tới hồi kết, khi khách du lịch có thể trở lại thăm các địa điểm thực tế, nhiều bên vẫn nhận thức rõ lợi thế của loại hình này, theo Nikkei. 

Một cơ sở sẽ khai trương tại thành phố Osaka, Nhật Bản, vào tháng 5, được gọi là "quán cà phê ở bất cứ đâu", đang thu hút một số sự chú ý nhờ các tính năng du lịch ảo.

Quán cà phê này nằm trong một ngôi nhà hơn 70 năm tuổi trên một con phố lịch sử, với nội thất truyền thống bao gồm chỗ ngồi trên sàn trải chiếu tatami. Tuy nhiên, việc đeo một cặp kính thực tế ảo cho phép khách có thể tiếp cận vào "quán cà phê ở bất cứ nơi đâu" khác trong metaverse. 

Quán cà phê này cũng mang tới không gian hiện đại đặc trưng là những khung cửa sổ bằng kính lớn từ sàn tới trần nhà.

Vào đầu tháng 3, khung cảnh ở cửa sổ ảo là bãi biển của Okinawa và những vị khách đến quán cà phê thích thú trò chuyện về những hòn đảo nhiệt đới phía nam trong khi nghe biểu diễn trực tiếp sanshin - một loại nhạc cụ dây có nguồn gốc từ vùng này.

Trong một phần của không gian ảo, khách hàng được nghe mô tả về các điểm tham quan của Okinawa. Mặt khác, còn có một cổng thông tin dẫn đến các điểm du lịch khác nhau ở Nhật Bản và nước ngoài.

Khi tháo kính ra, khách hàng trở lại ngôi nhà cổ truyền thống ở một khu vực cổ của Osaka.

Dù vẫn đang trong quá trình phát triển, quán cà phê tự hào có các tính năng kết hợp như màn hình trong khu vườn hiển thị phong cảnh của dãy núi Alps của Nhật Bản kết hợp với ăn một loại bánh kẹo nổi tiếng từ vùng đó.

Một màn hình mái vòm cũng được lên kế hoạch tại khu vườn của quán cà phê để xem các sự kiện thể thao.

Keiichi Koshiba - Giám đốc điều hành của G1, công ty điều hành quán cà phê - đã thiết lập quán như một phòng thí nghiệm để định hình tương lai của ngành du lịch.

Ông đặt mục tiêu hợp tác với chính quyền địa phương, nhà điều hành doanh nghiệp, người sáng tạo và sinh viên để xây dựng tương lai đó trong thời đại mà ảo và thực cùng tồn tại.

Ông Koshiba nhận thấy du lịch ảo có những lợi thế độc đáo. Khi làm việc tại Panasonic, ông được biệt phái vào Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, giúp quản lý chương trình phát trực tiếp tại lễ khai mạc Olympic và một số sự kiện tại 8 cung thiên văn trên khắp Nhật Bản.

“Không giống như những buổi xem công khai thông thường, mọi người có thể tận hưởng cảm giác thực sự được ở đó bởi những hình ảnh bao quanh" - ông nói.

Khoảng 1,47 triệu người đến Nhật Bản vào tháng 2.2023, bằng khoảng 60% mức trước đại dịch, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản.

Người dân Nhật Bản cũng đang đi du lịch nhiều hơn khi thị trường  du lịch lấy lại động lực trước đại dịch. 

Có nhiều ý kiến cho rằng, du lịch ảo là xu hướng nhất thời xuất phát từ đại dịch nên không thể cạnh tranh với du lịch thực. Và thực tế ảo có những nhược điểm như kích thước của hình ảnh và kính đeo. 

Tuy nhiên, những người bảo vệ cho rằng, du lịch ảo ít gây tác động tới môi trường hơn so với du lịch thông thường và là xu hướng bền vững, dễ tiếp cận mà những người cao tuổi cũng yêu thích. 

Khi tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản trở nên trầm trọng, việc tạo ra hệ thống mà thế giới thực và ảo bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh sẽ là điều có nhiều lợi thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn