MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quân nhân Đức. Ảnh: Xinhua

Quân đội Đức thừa nhận tình trạng giật gấu vá vai

Ngọc Vân LDO | 26/05/2024 08:29

Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận thiếu thốn trang thiết bị quan trọng đối với khả năng chiến đấu của quân đội.

Quân đội Đức không có đủ đồng phục, áo chống đạn hoặc mũ bảo hiểm cho quân nhân - tờ Bild đưa tin, trích dẫn một tài liệu của Bộ Quốc phòng.

Theo tờ báo, Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận rằng, các trang thiết bị này rất quan trọng đối với khả năng chiến đấu của quân đội.

Sau khi xung đột Ukraina bùng nổ vào tháng 2.2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố kế hoạch cải tổ quân sự đầy tham vọng, nhằm tăng cường quân số của lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) và nâng cấp vũ khí, trang thiết bị của lực lượng này.

Bất chấp cam kết của chính phủ dành khoảng 100 tỉ euro (hơn 107 tỉ USD) cho mục tiêu nói trên, một báo cáo thường niên của Ủy viên Quốc hội Bundeswehr, Eva Hoegl, đã chỉ ra vào tháng 3.2024 rằng không có cải thiện đáng kể nào đạt được trong hai năm kể từ đó.

Trích dẫn tài liệu của Bộ Quốc phòng, Bild đưa tin, trong số 72.200 bộ quân phục chiến đấu được đặt hàng vào năm ngoái, chỉ có 58.850 chiếc thực sự được giao, tương đương với mức thâm hụt 18,5%.

Sự thiếu hụt thậm chí còn tồi tệ hơn khi nói đến áo chống đạn, với 81.000 chiếc được cung cấp, mặc dù có 105.000 chiếc được đặt hàng. Theo tờ Bild, tình trạng với mũ bảo hiểm và ba lô cũng tương tự.

Bundeswehr cũng đang thiếu kính bảo hộ đặc biệt và thay vào đó, một lô kính sẽ được giao cho quân đội Israel.

Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận không có đủ đồng phục, áo chống đạn hoặc mũ bảo hiểm cho quân nhân. Ảnh: Bundeswehr

Theo Bild, Bộ Quốc phòng đã đưa ra một loạt lời bào chữa và giải thích trước các nghị sĩ, bao gồm cả việc một nhà cung cấp bị phá sản và số lượng nghỉ ốm cao bất thường của một nhà cung cấp khác.

Tuy nhiên, tờ Bild dẫn lời một sĩ quan Đức giấu tên tuyên bố rằng, bất kỳ vấn đề mua sắm nào thường “được bọc đường bằng những lời giải thích hợp lý trong thời gian dài nhất có thể”.

Trong một báo cáo riêng vào tháng 3, Ủy viên Quốc hội Bundeswehr Eva Hoegl cảnh báo, quân đội phải đối mặt với tình trạng “thiếu vật chất từ thiết bị lớn đến phụ tùng thay thế”, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Đức cung cấp khí tài quân sự cho Ukraina.

Quan chức này kết luận, Bundeswehr “vẫn còn quá ít thứ” và “những cải thiện đáng kể vẫn còn ở chặng đường dài”. Bà cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực tế là lực lượng vũ trang Đức đang “lão hóa và thu hẹp” với tỉ lệ đào ngũ “vẫn rất cao”.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius tiết lộ vào tháng 4 rằng, giới chức cấp cao của Đức “đã cân nhắc áp dụng lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc” - hơn một thập kỷ sau khi bãi bỏ vào năm 2011.

Trong một diễn biến khác, Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức tuần trước đã cắt giảm dự báo, dự đoán kinh tế Đức sẽ khó tăng trưởng trong năm nay, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói về “những thách thức chưa từng có”.

Chi phí năng lượng cao, nhu cầu toàn cầu yếu, sự chuyển đổi sang các nền kinh tế net-zero và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc đang đặt ra câu hỏi về mô hình kinh tế của Đức. Một số giám đốc điều hành cho hay, nền tảng công nghiệp vững mạnh trong lịch sử của quốc gia này sắp bị rạn nứt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn