MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều kỳ vọng đặt vào cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sputnik/Reuters

Quan hệ Nga - Mỹ: Cứ như cũ, muốn khác thì... tính sau

Ngạc Ngư LDO | 05/07/2017 06:36
Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải cuộc thượng đỉnh chính thức, không diễn ra ở Mỹ hay Nga mà ở bên lề hội nghị cấp cao của nhóm G20 tại Hamburg (Đức) vào cuối tuần này. Sự kiện vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cặp quan hệ song phương này, và đối với nhiều chuyện chính trị thời sự của thế giới. 

Trong chừng mực nhất định, nó còn có thể làm lu mờ cả chính sự kiện lớn thường niên của nhóm G20.

Sóng gió

Vì sao lại thế? Câu hỏi này không khó trả lời. Vì trong nhiều chuyện chính trị an ninh phức tạp và nan giải, lại tồn tại dai dẳng khá lâu nay trên thế giới, Mỹ và Nga đều đóng vai trò rất quyết định và quan trọng. Không ai có thể một mình giải quyết được chúng và chỉ khi đồng hành với nhau, tức là chỉ khi thoả hiệp lợi ích được với nhau thì họ mới có thể giải quyết được chúng.

Ở Châu Âu có vấn đề Ukraina và mối quan hệ giữa NATO với Nga. Ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh có vấn đề hạt nhân của Iran, cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), có chuyện chiến tranh và nội chiến ở Syria. Ở Châu Á có chuyện Afghanistan và Taliban. Ấy là còn chưa kể đến đấu trường LHQ và vấn đề giải trừ hay chạy đua vũ trang hạt nhân. Diễn biến tình hình của các vấn đề ấy và triển vọng giải pháp cho chúng đều phụ thuộc rất quyết định vào mức độ quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Mối quan hệ này lại không được tốt đẹp từ nhiều năm nay. Ở Nga, nhân sự ban lãnh đạo không thay đổi trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng ở Mỹ thì ông Donald Trump lên cầm quyền. Trong 8 năm cầm quyền của ông Barack Obama ở Mỹ, quan hệ giữa Mỹ và Nga xấu đi trông thấy vì nhiều lý do khác nhau, và bị tác động bởi nhiều chuyện khác nhau.

Khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, ông Donald Trump luôn tỏ ra thân thiện với Nga và đánh giá cao ông Vladimir Putin, tạo cảm nhận chung ở trong cũng như ngoài nước Mỹ là ở thời ông Donald Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ dễ dàng và nhanh chóng trở nên ổn thoả và tốt đẹp.

Tuy nhiên, kể từ khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay, nhân tố Nga luôn gây những chuyện sóng gió cho ông Donald Trump và tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa hai nước. Đầu tiên phải kể đến những cáo buộc và đồn thổi rằng ông Donald Trump nhờ Nga mà đắc cử tổng thống, cụ thể là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử theo hướng gây hại cho bà Hillary Clinton và làm lợi cho ông Donald Trump.

Rồi chuyện gia đình ông Donald Trump có mối quan hệ với Nga hay cộng sự của ông cũng thế. Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vì liên quan đến Nga mà phải từ chức. Ở Mỹ đang tiến hành điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ.

Kỳ vọng ở cuộc gặp đầu tiên

Bối cảnh tình hình chính trị nội bộ như thế làm cho ông Donald Trump dẫu có muốn cũng không thể nhanh chóng cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga, và bản thân ông Donald Trump dẫu có muốn cũng không thể thu xếp gặp ông Vladimir Putin ở Mỹ - như gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Mỹ lại càng không thể vội vã tới thăm Nga, nhưng dàn xếp để gặp ông Vladimir Putin ngay tại dịp có thể được đầu tiên ở bên ngoài Mỹ và Nga là hội nghị cấp cao của nhóm G20 ở Đức.

Nhìn vào những biểu hiện bên ngoài trước cuộc gặp này, Mỹ làm găng thêm với Nga. Thượng viện Mỹ quyết định siết chặt những biện pháp trừng phạt Nga vì Nga tiếp nhận Crưm, vì Nga ủng hộ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Ở Syria, Mỹ có những hành động quân sự tỏ ra bất chấp lo ngại và lợi ích của Nga. Trong khuôn khổ NATO, Mỹ tiếp tục triển khai những chủ ý đối phó Nga. So với thời ông Barack Obama ở Mỹ, thì những biện pháp chính sách và hành động nói trên không mới, nhưng ở thời ông Donald Trump thì ý nghĩa và tác động của chúng lại rất khác.

Có 3 lý do khiến phía ông Donald Trump hành xử như vậy với Nga. Thứ nhất, ông Donald Trump chủ ý làm găng với Nga để trang trải dư luận nội bộ, để đối phó với áp lực từ những chuyện kể trên có liên quan đến Nga, để tỏ ra vô tư trong quan hệ với Nga từ trước tới nay.

Thứ hai, cả Đảng Cộng hoà trong Quốc hội lẫn giới quân sự Mỹ muốn đặt ông Donald Trump trước những sự đã rồi trong quan hệ với Nga, để ngăn cản ông tự quyết định chính sách với Nga bất chấp họ. Hay nói cách khác, họ đặt ra những giới hạn và phạm vi về pháp lý và trên thực tế để kiềm chế ông Donald Trump. Thứ ba, phía Mỹ tạo thế cho mình trước cuộc gặp đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Putin.

Quan hệ của Mỹ với Nga ở thời kỳ đầu này trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump là cứ như cũ đã, sau này mới khác trước. Và cuộc gặp gỡ giữa hai người ở Hamburg sắp tới cho thấy mối quan hệ ấy sẽ được cải thiện trong thời gian tới chứ không còn mãi như trước, nhưng với tốc độ nhanh hay chậm và với mức độ nhiều hay ít thì đúng là phải sau sự kiện ấy mới rõ.

Cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng với Nga, Mỹ và thế giới

Điện Kremlin ngày 3.7 bày tỏ tin tưởng, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump sẽ gặp nhau bên lề G20 để bàn nhiều vấn đề cùng quan tâm. “Hai tổng thống nhất trí gặp mặt, nhưng lịch trình khá chặt chẽ. Tổng thống Putin có kế hoạch hội đàm với 11 nhà lãnh đạo thế giới, nhưng chúng tôi và các đối tác Mỹ sẽ tìm kiếm sự mở đầu để tổ chức cuộc gặp hết sức quan trọng này” - TASS dẫn lời trợ lý Điện Kremlin - ông Yury Ushakov.

Theo ông Ushakov, cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa quan trọng với cả Nga, Mỹ và sự ổn định của thế giới. “Tôi cho rằng không khí của cuộc gặp tới có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề song phương, hợp tác trên trường quốc tế” - ông Ushakov nói.

Theo trợ lý Điện Kremlin, Nga và Mỹ có tiềm năng đáng kể để điều phối các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma tuý, tội phạm có tổ chức và phổ biến vũ khí hàng loạt.

Ông Ushakov cho biết, các chủ đề thảo luận trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bao gồm vấn đề Syria, Ukraina, quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga ở Mỹ từ thời ông Barack Obama. Phía Nga cũng muốn thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga.  V.A

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn