MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng hồ đo áp suất ở đường ống dẫn dầu Druzhba. Ảnh: AFP

Quốc gia châu Âu lỗ hàng chục triệu USD vì cấm dầu của Nga

Thanh Hà LDO | 08/05/2023 09:58

Do cấm dầu của Nga và buộc phải tìm các nguồn cung đắt đỏ hơn, hãng dầu khí nhà nước Ba Lan đang thiệt hại 27 triệu USD mỗi ngày. 

Hãng dầu khí nhà nước Ba Lan PKN Orlen đang thiệt hại 27 triệu USD mỗi ngày do chênh lệch về giá dầu giữa dầu Nga giá rẻ với các nguồn dầu khác đắt đỏ hơn, CEO Daniel Obajtek của hãng chia sẻ với Financial Times ngày 7.5. 

Dù lệnh cấm dầu của Nga mà Warsaw triển khai đang ảnh hưởng tới nguồn cung của nước này nhưng PKN Orlen vẫn muốn có các biện pháp trừng phạt mạnh hơn. 

Tháng 3 năm ngoái, Ba Lan cam kết ngừng nhập khẩu dầu của Nga từ cuối năm 2022. 

Với PKN Orlen, điều này có nghĩa là hãng đang mua dầu với giá cao hơn 30 USD/thùng so với trước đó, CEO Daniel Obajtek chia sẻ với báo giới. 

“Tôi không thể gọi đó là lỗ. Đây là giá thị trường áp dụng với mọi doanh nghiệp không nhập khẩu dầu từ Nga”- ông nói. 

EU cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển nhưng vẫn chưa áp dụng lệnh cấm với dầu thô của Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba. Đường ống dẫn khí này kết nối Nga với Ukraina, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hoà Czech, Áo và Đức. 

Ba Lan là một trong những quốc gia tích cực nhất trong ủng hộ lệnh cấm năng lượng Nga của EU. Dù vậy, PKN Orlen vẫn tiếp tục mua dầu của Nga cho nhu cầu tiêu thụ trong nước thông qua đường ống Druzhba.

Hãng cũng đã kiện nhà điều hành Nga của đường ống Druzhba Tatneft trong tháng 3 khi bị ngừng cung cấp dầu do chưa thanh toán. 

PKN Orlen đã ngừng hợp đồng với Tatneft tháng trước nhưng tiếp tục nhận dầu của Nga từ đường ống Druzhba thông qua nhà máy tinh chế của hãng ở Cộng hoà Czech. 

Ông Obajtek giải thích với Financial Times: “Việc thay thế hoàn toàn dầu của Nga đòi hỏi cải thiện logistics cung cấp dầu. Chúng tôi đang làm việc với chính phủ Czech về vấn đề này".

Ông Obajtek cũng chỉ trích Đức vì đã mua dầu của Kazakhstan qua tuyến Druzhba. Ông cũng cho rằng “các biện pháp trừng phạt nên nghiêm khắc hơn".

Ông cho biết thêm, PKN Orlen “rất quan tâm đến thị trường Đức” và có kế hoạch bán xăng dầu cho nước này như một hình thức đa dạng hoá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn