MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình nguyện viên trong thử nghiệm vaccine COVID-19 theo phương pháp gây tranh cãi này sẽ được tiêm SARS-Cov-2 có chủ ý. Ảnh minh họa. Ảnh: AP.

Quốc gia đầu tiên đẩy nhanh tốc độ thử vaccine COVID-19 theo cách tranh cãi

Hải Anh LDO | 24/09/2020 11:15
Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vaccine COVID-19 theo phương pháp đẩy nhanh tiến độ gây tranh cãi.

Các nhà khoa học Anh sẽ là những người đầu tiên trên thế giới thực hiện một nghiên cứu gây tranh cãi, trong đó các tình nguyện viên bị lây nhiễm virus SARS-Cov-2 có chủ ý để đẩy nhanh việc thử nghiệm các mũi vaccine thử nghiệm, thông tin được tiết lộ hôm 23.9, theo Daily Mail.

Thử nghiệm vaccine theo phương này được gọi là "human challenge trial" (tạm dịch: Thử nghiệm lây nhiễm có kiểm soát ở người). Những người tham gia sẽ bị lây nhiễm bằng một liều SARS-CoV-2. Một tháng sau, những người này sẽ được tiêm vaccine COVID-19, theo Financial Times.

Nghiên cứu được chính phủ Anh tài trợ được cho là sẽ bắt đầu vào tháng 1.2021, có thể giúp các nhà sản xuất thử nghiệm vaccine COVID-19 mà không cần đợi các tình nguyện viên mắc virus tự nhiên trong cộng đồng.

Khoảng 100 đến 200 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm theo phương thức gây tranh cãi này sẽ được một nhóm vận động cho các thử nghiệm "human challenge trial" của Mỹ lựa chọn.

Hiện, khoảng 2.000 người đã đăng ký tham gia nghiên cứu "human challenge trial" ở Anh thông qua 1Day Sooner, nhóm vận động trụ sở tại Mỹ có 100 chuyên gia hàng đầu gồm các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel.

Hiện nhóm đang kiến nghị các cơ quan quản lý y tế ở Anh cho phép áp dụng phương thức thử nghiệm này. Daily Mail cho hay, bất kỳ thử nghiệm nào được thực hiện ở Anh đều phải được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) phê duyệt.

Hiện chưa rõ vaccine COVID-19 ứng viên nào sẽ được dùng trong thử nghiệm này. Tuy nhiên, cả 2 hãng dược lớn ở Anh là AstraZeneca và Sanofi đều khẳng định không tham gia.

Thử nghiệm theo phương thức "human challenge trial" thường được các nhà khoa học áp dụng trong nỗ lực phát triển vaccine và từng được áp dụng với các bệnh sốt rét, thương hàn và cúm. Tuy nhiên, không giống những căn bệnh này, chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh hiệu quả với bệnh nhân COVID-19 dạng nhẹ, vì vậy không có phương pháp nào để ngăn chặn các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm bị ốm nặng.

Vaccine COVID-19 thử nghiệm trong dự án này chưa được đặt tên và đơn vị tổ chức dự án thử nghiệm được cho là đã dành một cơ sở cách ly của hVivo điều hành ở Whitechapel, London, để thực hiện các thử nghiệm.

Cơ sở nghiên cứu thuốc hVivo có liên kết với Đại học Queen Mary của London, trong khi Đại học Hoàng gia London được hiểu là trưởng nhóm nghiên cứu của dự án.

Các nhà khoa học trong thử nghiệm này sẽ phải lựa chọn và sàng lọc một chủng virus SARS-CoV-2 đang lưu hành trong dân cư Anh. Sau đó, họ cần quyết định liều lượng lây nhiễm cho các tình nguyện viên để không gây bệnh nặng.

Daily Mail cho hay, điều cần thiết là phải có sẵn thuốc có thể ngăn bệnh nặng ở các tình nguyện viên. Đây được xem là rào cản khác cho các thử nghiệm này được chấp thuận.

Cho đến nay, chỉ có một số steroid được khoa học chứng minh là có thể điều trị COVID-19 nhưng chỉ có hiệu quả với những bệnh nhân nặng và không có tác dụng gì với những người bị bệnh vừa phải. Thử nghiệm ở London ban đầu sẽ sử dụng remdesivir - thuốc kháng virus cho thấy nhiều triển vọng trong các nghiên cứu sơ bộ.

Hiện chưa rõ có giới hạn độ tuổi nhất định cho người tham gia thử nghiệm không. Tình nguyện viên thử vaccine COVID-19 này có khả năng được chi trả tới 4.000 bảng Anh (khoảng 5.000 USD), theo Financial Times. Trước đó, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm "human challenge trial" của hVivo về bệnh cúm nhận được 3.750 bảng Anh (4.770 USD).

Hướng dẫn cài đặt Bluezone trên điện thoại

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc vào kho ứng dụng CHPlay (Android) hoặc Appstore (iOS) gõ từ khoá “Bluezone” trong mục tìm kiếm.

Bước 2: Chọn ứng dụng “Bluezone – Khẩu trang điện tử” của Cục tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông rồi cài đặt.

Bước 3: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 4: Mở ứng dụng và cho phép Bluezone truy cập một số quyền cần thiết.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn