MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Colombia sẽ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ ăn nhanh. Ảnh: Xinhua

Quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên chiến với đồ ăn nhanh

Nguyễn Quang LDO | 14/11/2023 16:03

Colombia chuẩn bị trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia cuộc chiến chống đồ ăn nhanh.

Luật mới sẽ có hiệu lực trong tháng 11 này, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm siêu chế biến. Lúc đầu, thuế sẽ ở mức 10%, sau đó tăng 15% vào năm tới và vào năm 2025 sẽ là 20%. Đặc biệt, thực phẩm siêu chế biến bao gồm các bữa ăn chế biến sẵn được sản xuất công nghiệp (ngũ cốc ăn sáng, cốm, sữa chua có phụ gia), cũng như các sản phẩm chứa nhiều muối và chất béo, ví dụ như sôcôla thanh, khoai tây chiên, bánh quy giòn, đồ uống ngọt có ga, đồ ăn nhanh.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã đạt được thỏa thuận với đại diện ngành thực phẩm rằng sẽ loại một số sản phẩm chế biến sẵn như xúc xích ra khỏi danh sách.

Quyết định áp dụng thuế đối với các sản phẩm được người dân ưa chuộng là do những sản phẩm này gây hại và nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Chế độ ăn trung bình hàng ngày của người Colombia bao gồm 12 gam muối - mức cao nhất ở Mỹ Latinh và là một trong những mức cao nhất trên thế giới.

Điều này dẫn đến sự phát triển của bệnh cao huyết áp, các bệnh tim mạch, đồng thời làm tăng số ca đột quỵ và suy tim. Các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống và béo phì khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, cũng có vấn đề, với hơn 1/3 số ca tử vong do bệnh tiểu đường xảy ra ở những người dưới 70 tuổi.

Tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Franco Sassi, chuyên gia về chính sách y tế quốc tế tại Trường Kinh doanh Imperial College, London, cho biết: “Các quốc gia trên thế giới đã đưa ra các loại thuế để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, chẳng hạn như đánh thuế các sản phẩm thuốc lá hoặc đồ uống có đường, nhưng rất ít quốc gia mở rộng sang thực phẩm chế biến sẵn”.

Theo vị chuyên gia này, luật được thông qua ở Colombia sẽ là tấm gương cho các quốc gia khác. Các nước láng giềng của Colombia là Ecuador và Peru gần đây đã đưa ra yêu cầu đối với các nhà sản xuất phải ghi thông tin ở mặt trước của bao bì sản phẩm về sự nguy hiểm của thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo. Bogota cũng đã đưa ra yêu cầu bắt buộc tương tự.

Ông Franco Sassi giải thích: “Điều này sẽ tạo ra sự kích thích về thông tin và tài chính để người tiêu dùng tránh những sản phẩm như vậy”.

Các đại diện của ngành công nghiệp thực phẩm Colombia cực lực chỉ trích luật mới, họ cho rằng nó sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Bogota nhằm chống lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Tuy nhiên, như các chuyên gia lưu ý, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì các nhà sản xuất không tập trung vào việc theo dõi lối sống lành mạnh của khách hàng mà chỉ chú ý vào việc đảm bảo cho hàng hóa của họ được bán hết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn