MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Macron kêu gọi quốc gia khởi nghiệp.

Quốc gia khởi nghiệp và vòng luẩn quẩn thất nghiệp - việc làm

LÊ THÀNH LƯƠNG LDO | 16/12/2017 15:00
Tỉ lệ thất nghiệp của Pháp đã tăng lên 9,7% trong quý III và có thể làm nổ tung viễn cảnh về tương lai kỹ thuật số cho nước Pháp, như lời Tổng thống Macron kêu gọi, rằng “nghĩ và hành động như một quốc gia khởi nghiệp”.

Bánh vẽ?

Những ý tưởng về sự nghiệp cải cách lao động của Tổng thống Emmanuel Macron có thể chậm, nhưng cuối cùng sẽ có tác động lớn đến tình trạng thất nghiệp cao của Pháp, Bộ trưởng Lao động nước này cho biết vào hôm thứ ba, sau khi các số liệu về tỉ lệ việc làm mới và thất nghiệp cho thấy dấu hiệu sụt giảm ở phía tạo việc làm mới.

Mặc dù việc kinh doanh và thái độ tự tin của người tiêu dùng đã tăng lên, tăng trưởng kinh tế của Pháp cho đến nay chỉ chuyển thành lợi ích thị trường lao động hạn hẹp. Cơ quan thống kê INSEE cho biết khâu tạo việc làm vào quý thứ 3 năm nay đạt tốc độ chậm nhất trong 2 năm trở lại đây, chỉ thêm 44.500 việc làm, thấp nhất kể từ quý III năm 2015 và giảm từ mức 88.300 việc làm trong 3 tháng trước đó, cho thấy sự phục hồi kinh tế của Pháp vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp - nguyên nhân chính của những con số thất nghiệp ngất ngưởng 
kể trên.

Trong cuộc cải cách lớn đầu tiên với tư cách là Tổng thống Pháp, ông Macron đã lật đổ các quy định về lao động, hồi tháng 9, cho phép các công ty tự do hơn trong việc đưa ra các điều kiện làm việc, một động thái nhằm khuyến khích họ thuê nhiều lao động hơn, với cam kết sẽ đưa tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 7% khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022.

Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất của Pháp là 11,2% trong quý I, II và III của năm 1997 và mức thấp nhất trong lịch sử là 7,5% trong quý I năm 2008.

“Chúng tôi không thể kỳ vọng sẽ có sự tác động to lớn trong thời gian ngắn hạn, nó sẽ chỉ đến trong trung hạn, tuy nhiên, sẽ mạnh mẽ và to lớn” - Bộ trưởng Lao động Pháp, Muriel Penicaud, nói với truyền thông.

Các nhà kinh tế cho rằng điều này có thể là do việc chấm dứt phí thuê mướn cho các công ty nhỏ và giảm số lượng các hợp đồng lao động do chính phủ trợ cấp. Chỉ có 2% trong số 1.000 nhà tuyển dụng người Pháp, được ManpowerGroup khảo sát, mong muốn mở rộng kế hoạch tuyển dụng trong quý I năm 2018, giảm từ 4% dự kiến trong 3 tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo khảo sát của ManpowerGroup, 19% các công ty sử dụng hơn 250 người mong muốn có sự tăng trưởng mạnh trong việc tuyển dụng trong quý đầu tiên. Dù vậy, họ thừa nhận rằng triển vọng thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào quy mô công ty.

Sau cải cách lao động, chính phủ muốn tiếp tục cải cách hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, hiện đang nhận được 32 tỉ euro hằng năm trong các quỹ công và tư nhân (37,67 tỉ USD), nhưng ít có tác động đến 
thất nghiệp.

“Các công ty không thể tìm được lao động có tay nghề, ngay cả khi danh sách đặt hàng của họ đầy phè. Tôi nghe điều đó mỗi ngày” - Penicaud - cựu Giám đốc nhân sự của Danone - cho biết.

Đời không như mơ

Hồi tháng 6, ngay sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, ông Macron đã đưa ra viễn cảnh về tương lai kỹ thuật số cho nước Pháp, kêu gọi nước mình “nghĩ và hành động như một quốc gia khởi nghiệp”, cụ thể hóa bằng việc công bố một loạt các biện pháp để thu hút nhân tài nước ngoài tới nước Pháp và thúc đẩy các sáng kiến công nghệ, nhằm củng cố vị thế của nước Pháp như một quốc gia 
khởi nghiệp.

Ông Macron nhấn mạnh mong muốn cải cách luật lao động để tăng quyền và giảm thuế cho các doanh nghiệp, mời gọi các nhà sáng tạo, kỹ sư và các nhà phát triển doanh nghiệp trên khắp thế giới tới Pháp. Chính phủ Pháp đã đưa ra một loại thị thực mới, gọi là Thị thực công nghệ Pháp, với quy trình cấp giấy phép cư trú 4 năm nhanh hơn và đơn giản hơn dành cho các doanh nhân và gia đình họ đến Pháp.

Bên cạnh đó, ông Macron cũng công bố một quỹ trị giá 10 tỉ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo và tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn hơn.

Phong trào khởi nghiệp tại Pháp được nhận định là sẽ sớm bùng nổ với sự đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm có kỳ vọng cao về một chính phủ thân thiện với doanh nghiệp, dưới thời tổng thống Macron.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 11 vừa qua xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình tại thủ đô Paris, các thành phố Lyon, Nantes, Bordeaux và Strasbourg, dù lượng người tham gia đã giảm rất nhiều so với trước. Đây là lần thứ 4 người dân Pháp xuống đường phản đối sắc lệnh cải cách lao động kể từ tháng 9 vừa qua, thời điểm cao trào của làn sóng biểu tình. Theo ước tính của cảnh sát Pháp, có khoảng 8.000 người tham gia cuộc biểu tình ở Paris vào ngày 16.11, ít hơn nhiều so với con số 200.000 người tham gia sự kiện tương tự vào ngày 12.9 vừa qua.

Cải cách Luật Lao động là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng mà ông Macron theo đuổi, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều tỉ lệ thất nghiệp, vốn cao gần gấp 2 lần so với các nền kinh tế phát triển ở Châu Âu, như Anh hay Đức. Tuy nhiên, những cải cách nói trên ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và chính người lao động Pháp.

Những người phản đối cho rằng luật mới quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động, theo đó các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải người lao động, trong khi quyền lợi của người lao động bị thu hẹp và họ luôn sống trong tình trạng bấp bênh.

Các cuộc biểu tình và đình công phản đối sắc lệnh cải cách lao động bùng phát tại Pháp trong thời gian vừa qua cũng tương tự như các cuộc biểu tình diễn ra dưới thời người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Francois Hollande - hồi tháng 3.2016. Vào thời điểm cao trào của làn sóng biểu tình hồi đó, có tới 400.000 người đã đổ ra đường nhằm bác bỏ nỗ lực của ông Hollande tiến hành... cải cách Luật Lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn