MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ xem xét việc Thụy Điển gia nhập NATO

Hà Liên LDO | 27/12/2023 09:47

Ngày 26.12, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cuộc tranh luận về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ quan điểm trong nhiều thập kỷ về việc không liên kết quân sự và tìm cách gia nhập NATO sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra tháng 2.2022.

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO nhanh chóng được các thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu chấp thuận, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Các bên cuối cùng đã nhượng bộ và Phần Lan được phê chuẩn là thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên, đã 19 tháng kể từ khi Thụy Điển xin gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê duyệt tư cách thành viên cho nước này.

Vào tháng 11, ủy ban đối ngoại của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được thỏa thuận bằng văn bản cho một cuộc bỏ phiếu đầy đủ về việc phê duyệt tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển. Cuộc họp về nội dung này được lên lịch lại vào chiều 26.12.

Hồi tháng 7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thôi phản đối Thụy Điển trở thành thành viên NATO sau khi Stockholm triển khai các biện pháp với nhóm người Kurd mà Ankara liệt kê là khủng bố.

Fuat Oktay - nhà lập pháp thuộc đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và là người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 25.12: “Chúng tôi thấy rằng, có sự thay đổi trong chính sách ở Thụy Điển".

Sau khi được ủy ban đối ngoại của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, việc phê duyệt tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển sẽ được bỏ phiếu tại quốc hội, nơi liên minh cầm quyền của ông Erdogan chiếm đa số ghế.

Được biết, các đồng minh của NATO đã gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề phê chuẩn tư cách thành viên cho Thụy Điển, trong đó Pháp cho rằng, uy tín của liên minh đang "bị đe dọa".

AFP chỉ ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển là vấn đề đang phức tạp hơn. Trong tháng 12, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đề nghị quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO nếu quốc hội Mỹ chấp thuận yêu cầu của Ankara về việc mua hàng chục máy bay chiến đấu F-16 cùng phụ tùng thay thế. Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu các đồng minh khác trong NATO, trong đó có Canada, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với nước này.

“Những diễn biến tích cực từ Mỹ liên quan đến vấn đề F-16 và việc Canada giữ lời hứa sẽ thúc đẩy quan điểm tích cực của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phê duyệt tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển. Tất cả những điều này đều có liên quan" - ông Erdogan nhấn mạnh.

Ozgur Unluhisarcikli - Giám đốc văn phòng Ankara - Quỹ Marshall Đức của Mỹ (GMF) - nhận định: “Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được xử lý phối hợp ở một mức độ nào đó bởi vì cả 2 nước đều không tin tưởng lẫn nhau. Không có sự đồng thuận mạnh mẽ trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, cũng như trong Quốc hội Mỹ về việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ".

Khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ dẫn đầu năm 2019, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu nhiều ảnh hưởng lớn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần cam kết xúc tiến thương vụ bán F-16 trị giá 20 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các nhà lập pháp đã ngăn chặn thương vụ này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn