MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo “Thông tin về Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 Việt Nam đã chấp thuận”. Ảnh: Thanh Hà.

Quốc tế đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam trong cơ chế UPR

Thanh Hà LDO | 04/09/2020 12:30
Kinh nghiệm của Việt Nam trong tham gia hiệu quả cơ chế UPR được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc ban hành các Kế hoạch Tổng thể để thực hiện các khuyến nghị qua các chu kỳ.

Hội thảo “Thông tin về Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 Việt Nam đã chấp thuận” diễn ra ngày 4.9 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hoài Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ, nghiêm túc vào Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) ngay từ chu kỳ 1 (2009).

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng lưu ý về những thách thức mới đối với việc bảo đảm quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR, trong đó có dịch COVID-19, đồng thời khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này, với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế.

“Chính phủ Việt Nam hết sức hi vọng được lắng nghe tiếng nói của các bên liên quan cũng như của bạn bè quốc tế về việc làm thế nào để có những bước tiến tiếp theo hiệu quả trong thực hiện các khuyến nghị theo đúng kế hoạch tổng thể” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

Trong phát biểu, Thứ trưởng cũng chia sẻ, Việt Nam đang trong không khí kỷ niệm 75 năm Quốc khánh. Trước khi có độc lập, người dân không có quyền con người, quyền dân sự chính trị xã hội, không được hưởng những quyền dân sự chính trị cơ bản, quyền kinh tế cơ bản, không có quyền xã hội và giáo dục…

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam đã phải chiến đấu 30 năm liền để bảo vệ quyền tự quyết. Do vậy, sau này trong tất cả các cơ chế quyền con người cơ bản bao giờ cũng có điều khoản rất quan trọng, có quyền tự quyết.

“Nếu không có sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, chúng tôi không thể vượt qua được chừng ấy gian khổ. Do đó, chúng tôi đề cao quyền con người. Chúng tôi nhận ra rằng, nếu người dân được hưởng quyền con người thì người dân sẽ ủng hộ những gì chúng tôi muốn làm” - Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong tham gia cơ chế UPR cũng được ghi nhận và đánh giá cao trong phát biểu của đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen - Đại diện Thường trú của UNDP Việt Nam.

Trong bài phát biểu, bà lưu ý, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh 3 thông điệp: Trước tiến, quyền con người là căn bản và liên hệ mật thiết với phát triển bền vững. Thực hiện các cam kết về quyền con người cũng sẽ đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Tiếp đó, tất cả các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR ở Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự tham gia của người dân trong đó có tham gia qua cộng đồng các đoàn thể xã hội, sẽ cung cấp cho Chính phủ những đối tác quan trọng trong việc giúp các nhóm dễ bị tổn thương cất tiếng nói, xác định nguy cơ hay thách thức và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Cần phải hỗ trợ kết nối này và bảo đảm phát huy tốt nhất kết nối giữa Chính phủ và người dân.

Thêm vào đó, khuôn khổ quốc tế về quyền con người, bao gồm cả UPR là nhằm bảo vệ những người yếu thế nhất, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

"Với việc hỗ trợ Việt Nam trong suốt tiến trình UPR chu kỳ 3, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, củng cố ưu tiên của chúng tôi về “đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”" - bà nói.

Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 2008. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ 3, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn