MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quốc tế gấp rút hỗ trợ công tác tìm kiếm tàu ngầm Indonesia mất tích

Phương Linh LDO | 22/04/2021 15:40

Các tàu cứu hộ từ Singapore và Malaysia đang được triển khai để hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm Indonesia mất tích.

CNA đưa tin, phát ngôn viên quân đội Indonesia - thiếu tướng Achmad Riad - sáng 22.4 cho biết, Singapore đang điều tàu cứu hộ MV Swift Rescue tới hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm Indonesia mất tích, dự kiến sẽ đến nơi vào ngày 24.4.

Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen xác nhận tàu cứu hộ của họ đã được "điều động khẩn cấp vào chiều 21.4, đang cố gắng nhanh nhất có thể để sẵn sàng hỗ trợ". Công tác ứng cứu được triển khai ngay sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ người đồng cấp Indonesia.

Theo Bộ trưởng Ng, địa điểm triển khai các hoạt động tìm kiếm ở gần Bali, và cách Singapore hơn 1.500 km, tại vùng nước rất sâu, nên tàu MV Swift Rescue đã khẩn trương ra khơi.

Một tàu cứu hộ khác là Mega Bakti của Malaysia cũng đang được triển khai ứng cứu.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 cùng với 53 thủy thủ đã mất tích hôm 21.4 khi đang tham gia một cuộc tập trận phóng ngư lôi gần đảo Bali. Tàu bị mất liên lạc lúc 4h30 sáng cùng ngày sau khi xin phép lặn vào 3h sáng.

Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, tổng cộng 49 thành viên thủy thủ đoàn, 1 chỉ huy tàu và 3 chuyên gia vũ khí đã có mặt trên tàu ngầm. Vào lúc 7h sáng 22.4 (theo giờ địa phương), cơ quan chức năng phát hiện vết dầu loang gần vị trí tàu lặn, đã ngay lập tức triển khai 2 tàu chiến có trang bị chức năng dò sóng âm (sonar) tiến hành tìm kiếm.

Trong một tuyên bố ngày 21.4, Hải quân Indonesia cho biết: "Có thể trong quá trình lặn đã xảy ra mất điện khiến tàu ngầm mất khả năng điều khiển và không thể tiến hành các quy trình khẩn cấp. Con tàu rơi xuống độ sâu từ 600m đến 700m".

Tàu ngầm này được thiết kế để duy trì áp suất ở độ sâu tối đa khoảng 250m, theo thông tin từ giới chức. Tàu được đóng tại Đức vào năm 1977 và gia nhập hạm đội Indonesia năm 1981. Tàu cũng từng trải qua một đợt cải tạo 2 năm tại Hàn Quốc vào khoảng năm 2012.

Hải quân Indonesia cho rằng, vết dầu loang trên mặt nước có thể có nghĩa là đã có hư hại đối với thùng nhiên liệu hoặc là một tín hiệu từ thủy thủ đoàn.

Người phát ngôn Riad thông tin, các quốc gia khác hiện cũng đang hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ tàu ngầm của Indonesia, gồm Mỹ, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nga và Australia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn