MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc. Ảnh: Viện nghiên cứu di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên

Quy hoạch đi trước thời đại ở di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi

Thanh Hà LDO | 27/07/2024 13:30

Di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc có nền móng nhất quán và quy hoạch đô thị rõ ràng từ hơn 3.000 năm trước.

Một số đoạn tường thành ở Tam Tinh Đôi bị hủy hoại do thời gian nhưng các nhà khảo cổ Trung Quốc tại Viện nghiên cứu di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên đã tái tạo lại bố cục cơ bản của thành phố dựa trên khám phá các bức tường thành hiện có, China Daily thông tin.

Di tích thành phố cổ Tam Tinh Đôi ở Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, có diện tích khoảng 3,6 km2 và bố cục theo hướng tây bắc - đông nam, về cơ bản phù hợp với nền móng tòa nhà cao cấp và xưởng chế tác ngọc bích được phát hiện từ năm 2022.

Dựa trên các cổng dẫn nước và cổng thành mới được phát hiện, trục chính của thành phố Tam Tinh Đôi là kết quả của việc người Trung Quốc cổ xưa đã thích nghi với môi trường địa lý địa phương, cũng như các ngọn núi và lòng sông tự nhiên vào thời điểm đó, Xu Danyang - Phó giám đốc di tích Tam Tinh Đôi tại Viện nghiên cứu di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên - cho hay.

Phần phía bắc và phía nam của thành phố Tam Tinh Đôi có một con sông chia tách, với phần phía bắc là cung điện và khu vực xưởng, trong khi phần phía nam là khu vực tế lễ.

Các cổng dẫn nước nằm ở phía đông và phía tây của thành cổ Tam Tinh Đôi. Thành cổ này có những bước tường dày, có nhiều cổng và con đường kết nối với các khu vực xung quanh.

Cổ vật bằng ngọc được phát hiện tại di chỉ Tam Tinh Đôi, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Bố trí thuận tiện cho cả sản xuất và lấy nước hàng ngày, cũng như sử dụng các tuyến đường thủy để kết nối với thế giới bên ngoài, phản ánh các ý tưởng xây dựng đô thị tiên tiến, ông Xu Danyang cho hay.

Các học giả tin rằng Tam Tinh Đôi được lập nên cách đây 2.800 đến 4.800 năm. Các khám phá khảo cổ cho thấy Tam Tinh Đôi là một trung tâm văn hóa thịnh vượng, phát triển cao.

Di chỉ khảo cổ huyền thoại Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc được phát hiện năm 1929 khi Yan Daocheng - một người dân địa phương - đào được hố chứa đầy cổ vật bằng ngọc bích và đá khi sửa chữa mương nước thải bên cạnh nhà.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật khảo cổ ở đây từ những năm 1930. Bước đột phá lớn đạt được năm 1984 khi các nhà khảo cổ khai quật được tàn tích của các cung điện lớn, một phần tường thành phía đông, phía tây và phía nam của một thành phố cổ. Năm 1986, các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật được 2 hố lớn chứa đầy cổ vật bằng đồng, bao gồm mặt nạ và tượng nhỏ.

Những khám phá khảo cổ quan trọng này đã xác nhận Tam Tinh Đôi - khu di chỉ khảo cổ có tàn tích của một thành phố - từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Vương quốc Thục cổ đại, một nền văn minh cổ đại tồn tại ở khu vực hiện là tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Tam Tinh Đôi được công nhận một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20.

Kể từ năm 2020, 6 hố hiến tế mới đã được khai quật sau 2 hố đầu tiên. Cổ vật khai quật tại 6 hố hiến tế này đang được trưng bày trong Bảo tàng Tam Tinh Đôi. Bảo tàng Tam Tinh Đôi khai trương tháng 7 năm ngoái và đã thu hút được hơn 5 triệu du khách từ khắp thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn