MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc hội Iran họp. Ảnh: AFP

Quyết định mới nhất của Iran sau vụ nhà khoa học hạt nhân bị ám sát

Ngọc Vân LDO | 01/12/2020 16:49
Vài ngày sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, Quốc hội Iran hôm nay phê duyệt kế hoạch hành động chiến lược để chống lại các lệnh trừng phạt.

Press TV đưa tin, các nhà lập pháp tại Quốc hội Iran hoàn toàn tán thành phác thảo kế hoạch hành động chiến lược, nhằm mục đích chống lại các lệnh trừng phạt áp đặt lên nhà nước Iran và bảo vệ lợi ích của quốc gia này.

Trong phiên họp Quốc hội mở vào ngày 1.12, 251 trong số 260 nhà lập pháp có mặt đã bỏ phiếu "đồng ý" với dự thảo luật, theo đó, nếu được thông qua, sẽ yêu cầu chính quyền Iran đình chỉ thêm nhiều cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Dự thảo cũng yêu cầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) hàng năm sản xuất ít nhất 120 kg uranium được làm giàu 20% và lưu trữ trong nước trong vòng hai tháng sau khi luật được thông qua.

Phát biểu trong phiên họp, ông Abolfazl Amooei, người phát ngôn của Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran, cho biết, kế hoạch này sẽ là chìa khoá mở các giới hạn áp đặt lên chương trình hạt nhân của Iran và theo đuổi mục tiêu của những người tử vì đạo như nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh.

“Chương trình hạt nhân của quốc gia phải tiến hành theo nhu cầu của đất nước chúng ta. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi kỳ vọng rằng chương trình hạt nhân sẽ được củng cố, phát triển, và xu hướng này sẽ tăng tốc” - ông Amooei nói thêm.

Ông Amooei cho biết, kế hoạch này cũng nhằm biến hành động áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại người dân Iran trở thành một biện pháp "tốn kém" đối với các nước phương Tây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Washington ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), vào tháng 5.2018, và tung ra các lệnh trừng phạt “cứng rắn nhất từ ​​trước đến nay” đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Kể từ đó, Washington đã cố gắng ngăn cản các bên ký kết còn lại của JCPOA - Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga cộng với Đức - tuân thủ các cam kết của họ và do đó đẩy thỏa thuận lịch sử, vốn được nhiều người coi là thành quả của ngoại giao quốc tế, đến sụp đổ.

Iran vẫn hoàn toàn tuân thủ JCPOA trong suốt một năm, chờ các bên đồng ký kết hoàn thành thỏa thuận bằng cách bù đắp những tác động của lệnh cấm của Mỹ đối với nền kinh tế Iran.

Nhưng do các bên Châu Âu không thực hiện được, vào tháng 5.2019, Iran đã đình chỉ các cam kết JCPOA theo Điều 26 và 36 của thỏa thuận về các quyền hợp pháp của Tehran.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn