MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 4.11.2019. Ảnh: ASEAN2019

RCEP sắp tới đích

NGẠC NGƯ LDO | 12/11/2019 10:56

Sau nhiều năm đàm phán, các bên tham gia thực hiện ý tưởng về hình thành không gian liên kết kinh tế và khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới - cho đến thời điểm hiện tại - ở Châu Á - Thái Bình Dương vừa cho biết tiến trình đàm phán đã thành công đến mức việc ký kết chính thức có thể được tiến hành vào năm 2020.

Ý tưởng này có tên gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những bên tham gia là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Ấn Độ vừa đã tuyên bố rút khỏi RCEP nên giờ chỉ còn ASEAN và 5 nền kinh tế kia tham gia RCEP. Việc Ấn Độ không tham gia nữa là điều rất đáng tiếc cho RCEP nhưng không làm giảm đi đáng kể gì ý nghĩa và tác động của RCEP.

Trong bối cảnh hiện có nhiều cuộc xung khắc thương mại song phương cũng như đa phương giữa nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy mạnh mẽ xung khắc thương mại giữa Mỹ với nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, thực thi chính sách bảo hộ thương mại, làm suy giảm vai trò và bất chấp các nguyên tắc và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như không coi trọng các khuôn khổ diễn đàn, thể chế và thoả thuận đa phương, sự ra đời của RCEP càng thêm đáng được chú ý. Nó là bằng chứng cho thấy ông Donald Trump và những quan điểm cũng như biện pháp chính sách của người này tuy có cản phá và gây bất lợi nhưng cho đến nay không ngăn được đà phát triển và chiều hướng diễn biến của toàn cầu hoá, tự do hoá mậu dịch và hội nhập thế giới.

RCEP đánh dấu bước tiến rất quan trọng mới trong quá trình hợp tác và liên kết khu vực cũng như châu lục ở Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và đối với ASEAN nói riêng. RCEP gắn kết ba khu vực với nhau là Đông Nam Á (ASEAN), Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Thái Bình Dương (Australia, New Zealand), bao gồm những nền kinh tế quan trọng nhất ở các khu vực này. Cấu trúc hợp tác như thế đảm bảo sự bình đẳng và sòng phẳng trong hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại, chứ không để cho có sự lấn át và lấn lướt lẫn nhau giữa các bên tham gia.

Ấn Độ quyết định không tham gia RCEP nữa vì có nhiều suy tính lợi ích riêng mà cho rằng không được đảm bảo hoặc được thực hiện còn tốt hơn nếu không tham gia RCEP. Trong những lý do khiến phía Ấn Độ phải quan ngại chắc có liệu tính về nguy cơ không thể cạnh tranh được với hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc trên thị trường Ấn Độ.

Giống như 5 đối tác khác, RCEP được Ấn Độ coi trọng vì Ấn Độ cũng rất coi trọng ASEAN. Nhưng xem ra, cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực này đối với Ấn Độ đang được Ấn Độ định hướng mới. Nhiều khả năng Ấn Độ sẽ thay thế sự tham gia RCEP bằng thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại tự do song phương với các đối tác và bằng việc thúc đẩy thực hiện ý tưởng về Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Sau Hiệp ước Quan hệ Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), RCEP là thoả thuận thứ 2 về khu vực mậu dịch tự do ở Châu Á - Thái Bình Dương không có sự tham gia của Mỹ. Nhiều quốc gia trong khu vực tham tham gia đồng thời CPTPP và RCEP, đủ để thấy cái mới bổ sung cho cái trước chứ không loại trừ hay vô hiệu hoá lẫn nhau, đủ để thấy các nước trong khu vực mong muốn các nền kinh tế lớn khác của thế giới tham gia nhưng không để bị lệ thuộc vào các nền kinh tế ấy.

RCEP sắp tới đích và khi có hiệu lực chính thức sẽ làm thay đổi cơ bản môi trường kinh tế đối ngoại và cả chính trị đối ngoại và an ninh ở khu vực rộng lớn này. Nó ràng buộc các quốc gia tham gia vào trách nhiệm phải hành động và ứng xử sao cho môi trường ấy luôn được thuận lợi cho tất cả các bên tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn