MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Crimea. Ảnh: Điện Kremlin

Rò rỉ đoạn ghi âm Đức tính toán cách tấn công cầu Crimea

Thanh Hà LDO | 02/03/2024 08:19

Một đoạn ghi âm chứa nội dung thảo luận về việc Đức tấn công cầu Crimea đã rò rỉ trên mạng Internet.

Đoạn ghi âm dài 38 phút đề ngày 19.2, có sự góp mặt của 4 sĩ quan của lực lượng Không quân Đức (Luftwaffe), bao gồm cả người đứng đầu lực lượng này là Tướng Ingo Gerhartz.

Các tướng lĩnh cho rằng, Đức sẽ gửi tới 50 tên lửa tầm xa Taurus đến Ukraina và trao đổi về những cách mà Luftwaffe có thể cung cấp cho Ukraina thông tin mục tiêu không liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột đang diễn ra.

Các tướng lĩnh Đức cũng nói về việc người Ukraina quan tâm tới tấn công cầu Crimea, cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối bán đảo Crimea và lục địa Nga. Các tướng lĩnh Đức lưu ý tầm quan trọng của cầu Crimea chủ yếu mang tính chính trị hơn là quân sự.

Trong cuộc thảo luận, có lúc Tướng Gerhartz thừa nhận rằng, tên lửa sẽ không thay đổi cục diện cuộc xung đột Nga - Ukraina, trong khi một sĩ quan khác đề cập tới việc dùng 20 tên lửa Taurus bắn vào cầu Crimea.

Tổng biên tập RT Margarita Simonyan cho hay, đoạn ghi âm các tướng lĩnh Đức thảo luận tấn công cầu Crimea được bà lấy từ các quan chức an ninh Nga.

Theo tờ Bild của Đức, Berlin đã có phản hồi đầu tiên sau khi rò rỉ đoạn trao đổi của một số tướng lĩnh Đức về việc giúp Ukraina tấn công cầu Crimea.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết, đang kiểm tra các liên lạc trong nội bộ không quân, đồng thời cho hay không thể nói bất kỳ điều gì về nội dung rò rỉ.

Trả lời câu hỏi của hãng thông tấn nhà nước DPA, Bộ Quốc phòng Đức thông tin, Văn phòng Phản gián Quân sự Liên bang (BAMAD) đã “khởi động mọi biện pháp cần thiết”.

Nhiều tài khoản trên X (trước đây là Twitter) phát tán đoạn ghi âm đã bị chặn ở Đức kể từ tối 1.3.

Tờ Bild nhận định, "dường như rõ ràng" có các điệp viên Nga hoặc điệp viên từ một trong những đối tác của Nga đứng sau đoạn ghi âm rò rỉ.

Bộ Ngoại giao và quốc hội Nga đều tuyên bố sẽ yêu cầu Đức giải thích về đoạn ghi âm bị rò rỉ.

Cầu Crimea là công trình lớn nhất thuộc loại này ở châu Âu và được xây dựng để nối bán đảo Nga với vùng Krasnodar qua eo biển Kerch. Trước khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra vào tháng 2.2022, đây là tuyến đường bộ duy nhất nối bán đảo Crimea với lãnh thổ của Nga.

Ukraina từng thực hiện 2 vụ đánh bom vào cầu Crimea hồi tháng 10.2022 và tháng 7.2023, sử dụng xe tải và máy bay không người lái của hải quân. Giới chức Ukraina khẳng định việc phá hủy cây cầu là nhằm mục đích quân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn