MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Donald Trump được Mật vụ Mỹ hộ tống sau khi bị bắn. Ảnh: AFP

Rộ thuyết âm mưu vụ ám sát ông Trump là dàn dựng

Song Minh LDO | 15/07/2024 19:19

Ngay sau vụ ám sát hụt ông Donald Trump đã xuất hiện nhiều thuyết âm mưu cho rằng vụ việc là "dàn dựng".

Một số thuyết âm mưu tập trung vào các lỗi được cho là về an ninh, khiến người dùng mạng xã hội đặt câu hỏi làm sao điều đó có thể xảy ra.

Nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, ông Donald Trump đã trở thành mục tiêu của một vụ ám sát tại cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania ngày 13.7.

Vụ ám sát bất thành xảy ra vài ngày trước khi cựu Tổng thống dự kiến ​​chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa để ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Trong khi các quan chức thực thi pháp luật đang cố gắng xác định động cơ của nghi phạm nổ súng 20 tuổi từ một sân thượng gần đó, từ “dàn dựng” đã trở thành một xu hướng trên mạng xã hội ở Mỹ chỉ trong vài phút sau vụ tấn công.

“Dàn dựng” đã trở thành đồng nghĩa với các thuyết âm mưu cực đoan trên các nền tảng mạng xã hội, thường được sử dụng để đặt câu hỏi về tính xác thực của một cuộc tấn công hoặc xả súng.

BBC cho hay, chỉ trong 24 giờ, thuyết âm mưu này đã vượt qua các chủ đề khác trên Internet, khi các bài đăng trên mạng xã hội X chứa đầy những tin đồn không được chứng minh, những phát ngôn thù hận và lạm dụng đã nhận được hàng triệu lượt xem.

Trong lịch sử, các thuyết âm mưu trong thường bị lôi kéo vào các vụ ám sát các tổng thống Mỹ, với ví dụ nổi tiếng nhất là vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy vào tháng 11 năm 1963.

Vì vụ ám sát ông Trump là vụ đầu tiên diễn ra trong thời gian thực nên không có gì ngạc nhiên khi những tin đồn vô căn cứ lại rộ lên.

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở các nhóm ủng hộ chính trị mà còn được đăng bởi những cá nhân có dấu tích xanh, khiến bài đăng của họ được chú ý hơn.

Như thường lệ, các thuyết âm mưu đôi khi bắt đầu bằng những câu hỏi chính đáng và sự nhầm lẫn. Họ tập trung vào các lỗi được cho là về an ninh, khiến người dùng mạng xã hội đặt câu hỏi làm sao điều đó có thể xảy ra.

“Kẻ tấn công lên được mái nhà bằng cách nào? Tại sao hắn không bị chặn?" - một người viết.

"Trông rất giống dàn dựng. Không ai trong đám đông bỏ chạy hay hoảng sợ. Không ai trong đám đông nghe thấy tiếng súng thật. Tôi không tin điều đó" - một bài đăng nhận được hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên sau đó, bài đăng được dán nhãn kèm theo ghi chú chỉ ra vụ nổ súng là có thật.

Những thuyết âm mưu này càng trở nên phức tạp hơn bởi những bức ảnh và video sau đó được tung ra. Đặc biệt là bức ảnh ông Donald Trump giơ nắm đấm lên, mặt và tai đầy máu, đằng sau là lá cờ Mỹ.

Sáng 14.7, tài khoản một YouTuber ở Mỹ viết trong bài đăng trên X đạt gần 1 triệu lượt xem với một bức ảnh của ông Trump sau vụ xả súng kèm chú thích: “Máu giả. Một lá cờ Mỹ lộn ngược. Tôi không tin nó là sự thật. Quá hoàn hảo". Tuy nhiên, sau đó người này đã xóa bài đăng này và đăng một bài khác nói rằng điều quan trọng là phải tự sửa nếu mình sai.

Một người dùng X khác viết: "Dàn dựng để nhận được sự thông cảm? Bạn không thể tin tưởng bất cứ điều gì vào những người này và không, tôi sẽ không cầu nguyện cho ông ta".

Tuy nhiên, BBC nhấn mạnh rằng hầu hết các thuyết âm mưu lan truyền này đều đến từ những người dùng thiên tả, thường đăng các quan điểm chống ông Donald Trump.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn