MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỹ có thể triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung mặt đất ở Châu Á sau khi rút khỏi Hiệp ước INF. Ảnh: Denfense News

Rút khỏi INF với Nga, Mỹ “rảnh tay” triển khai tên lửa chống Trung Quốc

K.M LDO | 24/10/2018 12:00
Việc rút khỏi Hiệp ước INF kiểm soát vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga có nghĩa là Mỹ có thể triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung mặt đất ở Châu Á để đối trọng Trung Quốc.

Tờ SCMP dẫn nhận định của giới chuyên gia quân sự nói thêm, việc rút khỏi Hiệp ước INF với Nga bổ sung thêm lựa chọn quân sự cho Mỹ - nước vốn đã có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác trên toàn cầu - trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Reuters dẫn lời các chuyên gia cảnh báo rằng cuộc chạy đua vũ trang sau đó có thể làm leo thang căng thẳng ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong nhiều năm qua, giới chức Mỹ cảnh báo Washington đang gặp bất lợi vì sự phát triển của Bắc Kinh về tên lửa mặt đất ngày càng phức tạp, điều mà Lầu Năm Góc không thể sánh kịp vì Hiệp ước INF của Mỹ với Nga.

Tổng thống Donald Trump vừa báo hiệu ông có thể sẽ sớm giải thoát cho Lầu Năm Góc để đối đầu với những tiến bộ trên, nếu ông thực hiện lời đe dọa rút ra khỏi Hiệp ước INF, vốn đòi hỏi phải loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Reuters dẫn lời ông Dan Blumenthal, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện làm cho Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói rằng việc rút ra khỏi hiệp ước có thể mở đường cho Mỹ trong việc làm các tên lửa dễ che giấu, dễ di chuyển ở những nơi như Guam và Nhật Bản.

Điều đó sẽ làm cho Trung Quốc khó khăn hơn trong việc xem xét một cuộc tấn công đầu tiên bằng tên lửa thông thường vào các tàu và căn cứ của Mỹ trong khu vực. Nó cũng có thể buộc Bắc Kinh tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, buộc Trung Quốc phải chi nhiều tiền hơn cho tên lửa phòng vệ.

Dù ông Donald Trump đổ lỗi cho Nga đã vi phạm hiệp ước trong quyết định của mình, nhưng ông cũng chĩa mũi dùi vào Trung Quốc.

Bắc Kinh không phải là thành viên của hiệp ước INF và đã đưa vào hoạt động những tên lửa mới, có tính sát thương cao hơn, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, có tầm bắn tối đa 4.000 km, mà Lầu Năm Góc nói là có thể đe dọa đến đất liền và các lực lượng trên biển của Mỹ ở xa như đảo Guam. Tên lửa này lần đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 2016.

Cho đến nay, các giới chức Mỹ đều dựa vào những khả năng khác để đối trọng với Trung Quốc, như tên lửa bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ. Nhưng những người ủng hộ cho việc phản ứng bằng tên lửa mặt đất của Mỹ nói rằng đó là cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng tên lửa mặt đất của nước này.

Bà Kelly Magsamen, người đã giúp xây dựng chính sách Châu Á của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời chính quyền Obama, cho biết việc Trung Quốc hoạt động bên ngoài Hiệp ước INF đã làm các nhà hoạch định chính sách ở Washington bực bội từ rất lâu, trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền.

Nhưng bà cảnh báo rằng bất kỳ chính sách mới nào về việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Châu Á đều cần được phối hợp một cách cẩn trọng với các đồng minh, điều mà dường như chưa thể xảy ra.

Xử lý kém các kỳ vọng quanh việc rút khỏi Hiệp ước của Mỹ cũng có thể gây mất an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương - Reuters dẫn lời bà Kelly Magsamen cảnh báo.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ gây áp lực lên các nước trong khu vực để từ chối yêu cầu của Mỹ về việc đặt tên lửa ở đó.

Ông Abraham Denmark, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, nói rằng đảo Guam, Nhật Bản và thậm chí Australia sẽ là những địa điểm tiềm năng cho việc triển khai tên lửa của Mỹ.

Khi được yêu cầu bình luận về ý kiến rút khỏi INF của ông Donald Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc đơn phương rút ra của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực, và thúc giục Mỹ “suy nghĩ kỹ trước khi hành động”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn