MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa một ngôi sao thuộc hệ sao Alpha Centauri. Ảnh: AFP

Sáng kiến giúp tiếp cận hệ sao cách Trái đất hơn 38.624 tỉ km

Nguyễn Hạnh LDO | 12/06/2021 16:50

Các nhà khoa học đang phát triển một tàu vũ trụ cánh buồm chạy bằng laser cho phép chúng ta tiếp cận Alpha Centauri - hệ sao gần Trái đất nhất - trong vòng 20 năm.

Theo Daily Mail, Alpha Centauri là nơi tọa lạc của ba ngôi sao: Centauri A, Centauri B và Cận Tinh. Nó cách Trái đất hơn 38.624 tỉ km - tương đương 4,37 năm ánh sáng - và là nơi mang lại cơ hội tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Để đến được hệ sao này với công nghệ hiện tại sẽ mất hàng nghìn năm.

Các nhà khoa học Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã thiết kế một hệ thống đẩy tàu vũ trụ kiểu mới nhằm khám phá thế giới xung quanh Alpha Centauri.

Tàu thăm dò sẽ hoạt động như một cánh buồm nhẹ và di chuyển với tốc độ chưa từng có. Ảnh: ANU

Các tàu thăm dò sẽ được phóng vào không gian bằng hệ thống đẩy laser, tàu hoạt động như một cánh buồm nhẹ và di chuyển với tốc độ chưa từng có.

Ánh sáng để cung cấp năng lượng cho cánh buồm sẽ đến từ bề mặt Trái đất, với hàng triệu tia laser hợp lực để chiếu sáng cánh buồm và đẩy nó lên hành trình giữa các vì sao.

Tiến sĩ Chathura Bandutunga - tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Cánh buồm sẽ bay qua chân không không gian trong 20 năm trước khi đến đích. Trong quá trình bay qua Alpha Centauri, nó sẽ ghi lại hình ảnh và các phép đo khoa học, sau đó truyền chúng về Trái đất".

Hình ảnh này cho thấy cách cánh buồm chạy bằng laser sẽ phóng từ Trái đất đến Alpha Centauri. Ảnh: ANU

Tiến sĩ Robert Ward từ ANU cho hay: "Uớc tính tổng công suất quang học cần thiết là khoảng 100 GW - gấp khoảng 100 lần công suất của loại pin lớn nhất thế giới hiện nay. Số lượng tia laser cần thiết là khoảng 100 triệu".

Hiện các nhà khoa học đang thực hiện các thử nghiệm mô phỏng để xem liệu ý tưởng này có thể hoạt động được hay không và có khả thi về mặt vật lý hay không".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn