MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sao chổi 4.000 năm mới bay qua Trái đất có mối liên hệ với mưa sao băng

Thanh Hà LDO | 21/05/2021 08:30
Mưa sao băng từ mảnh vỡ của những sao chổi bay gần quỹ đạo Trái đất và trở lại không thường xuyên 4.000 năm một lần có thể được các nhà nghiên cứu phát hiện.

Các sao chổi quay quanh Mặt trời theo những quỹ đạo rất dài sẽ trải các mảnh vỡ rất mỏng dọc theo đường đi hoặc đẩy hoàn toàn các mảnh vỡ khỏi Hệ Mặt trời đến mức khó phát hiện ra những trận mưa sao băng của chúng.

Từ khảo sát mưa sao băng mới công bố trên Tạp chí Icarus, các nhà nghiên cứu cho biết, có thể phát hiện mưa sao băng từ các mảnh vỡ trên đường đi của những sao chổi đi gần quỹ đạo Trái đất. Những sao chổi này quay trở lại quỹ đạo Trái đất không thường xuyên khoảng 4.000 năm một lần.

Nhà thiên văn học và tác giả chính Peter Jenniskens, Viện SETI, Mỹ, cho biết: “Điều này tạo ra nhận thức tình huống về các sao chổi có khả năng nguy hiểm tồn tại ở quỹ đạo gần của Trái đất lùi về tới năm 2.000 trước Công nguyên".

Nhà thiên văn học Jenniskens là người đứng đầu dự án CAMS có mạng lưới ở 9 quốc gia, chuyên quan sát và lập lưới tam giác để đo đạc các thiên thạch có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm bằng các camera an ninh video ánh sáng yếu để đo quỹ đạo và đường đi của những thiên thạch này.

Sao chổi ISON năm 2013 được chụp từ kính thiên văn 14 inch đặt tại Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Marshall. Ảnh minh họa: NASA

Trong những năm gần đây, các mạng lưới mới ở Australia, Chile và Namibia đã tăng đáng kể số lượng thiên thạch được lập lưới tam giác để đo đạc. Việc bổ sung các mạng này giúp có được những hình ảnh tốt hơn, đầy đủ hơn về các trận mưa sao băng trên bầu trời đêm.

“Cho đến gần đây, chúng tôi chỉ biết năm sao chổi chu kỳ dài là thiên thể mẹ của một trong những trận mưa sao băng nhưng bây giờ chúng tôi đã định thêm được 9 sao chổi nữa và có lẽ là tới 15" - nhà thiên văn học dẫn đầu nhóm nghiên cứu nói.

Sao chổi chỉ là một phần nhỏ trong số tất cả các vật thể va chạm tới Trái đất nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng sao chổi đã gây ra một số sự kiện tác động lớn nhất trong lịch sử Trái đất vì sao chổi có thể có kích thước lớn và quỹ đạo của chúng có thể va chạm với tốc độ cao.

“Trong tương lai, với nhiều quan sát hơn, chúng ta có thể phát hiện những trận mưa sao băng mờ hơn và theo dõi quỹ đạo của sao chổi mẹ trên những quỹ đạo dài hơn” - trưởng nhóm nghiên cứu Jenniskens nói.

Mỗi đêm, mạng lưới CAMS xác định được hướng mà các mảnh vỡ sao chổi đang đi vào khí quyển Trái đất. Bản đồ được lập ra trên một thiên cầu tương tác cho thấy các trận mưa sao băng dưới dạng các đốm màu. Nhấp vào những đốm màu đó sẽ hiển thị quỹ đạo đo được trong Hệ Mặt trời. Ông Jenniskens lưu ý: “Đây là những sao băng nhìn thấy bằng mắt thường. Bằng cách lần theo hướng tiếp cận của chúng, những bản đồ này hiển thị bầu trời và vũ trụ xung quanh chúng ta theo một ánh sáng rất khác".

Một phân tích dữ liệu cho thấy những trận mưa sao băng trong thời gian dài có thể tiếp diễn trong nhiều ngày. "Đây là một bất ngờ với tôi. Nó có thể có nghĩa là những sao chổi này từng quay trở lại Hệ Mặt trời nhiều lần trong khi quỹ đạo của chúng dần thay đổi theo thời gian" - ông Jenniskens nói.

Dữ liệu cũng chỉ ra những trận mưa sao băng rải rác nhất có thể cho thấy lượng mảnh thiên thạch nhỏ nhiều nhất.

"Những trận mưa sao băng phân tán nhiều nhất có lẽ là những mưa sao băng lâu đời nhất. Vì vậy, điều này có thể có nghĩa là, theo thời gian, các thiên thạch lớn hơn bị phân tách thành các thiên thạch nhỏ hơn" - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn