MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sao chổi 67P. Ảnh: ESA

Sao chổi đang tiếp cận Trái đất sẽ biến mất trong 200 năm

Mộc Nhi LDO | 13/11/2021 17:44
Sao chổi 67P đã tiếp cận gần nhất với Trái đất vào ngày 13.11 (giờ Việt Nam) sẽ không quay lại hành tinh của chúng ta trong 200 năm tới.

Theo Astronomy Now, 67P hiện đủ sáng để có thể quan sát bằng kính thiên văn nghiệp dư. Trong lần đi qua Trái đất gần nhất lúc 7h50 sáng giờ Việt Nam, sao chổi chỉ cách chúng ta 62,8 triệu km và nằm trong quỹ đạo của sao Hỏa.

Theo Space.com, 9 ngày trước đó, 67P đi qua điểm cận nhật - điểm gần Mặt trời nhất trong quỹ đạo hình elip xung quanh ngôi sao của chúng ta. Tại thời điểm này, sao chổi cách Mặt trời khoảng 181 triệu km.

Earth Sky cho hay, đường đi của sao chổi giờ đây sẽ bắt đầu tách khỏi hành tinh của chúng ta và sẽ không đi qua lần nào nữa cho đến năm 2214. Vì vậy, bây giờ là thời điểm tốt nhất để những người đam mê quan sát bầu trời chụp ảnh và theo dõi 67P. Nó có thể được tìm thấy gần Pollux - ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Gemini. 

Sao chổi 67P được truyền thông quốc tế chú ý vào năm 2014, khi tàu thăm dò Rosetta của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu quay quanh nó trong hơn 2 năm rưỡi. Tàu cũng đã thực hiện các phép đo và quan sát chi tiết về bề mặt cũng như môi trường xung quanh sao chổi.

Dấu ấn của sứ mệnh là sự hạ cánh của một tàu thăm dò nhỏ hơn tên là Philae mà Rosetta đã mang theo. Lần hạ cánh đầu tiên vào tháng 12.2014 không diễn ra suôn sẻ. Trong lần chạm đất đầu tiên, Philae nảy hai lần và đáp ở một vị trí kém thuận tiện hơn nhiều so với vị trí các nhà khoa học đã chọn. 

Thật không may, Philae đã đáp dưới một vách đá nơi mà ánh sáng Mặt trời không thể chiếu đến các tấm pin mặt trời của tàu. Sau hai ngày, tàu thăm dò hết điện và chìm vào giấc ngủ. Tháng 6.2015, tàu "thức dậy" khi góc hướng đến Mặt trời của sao chổi thay đổi.

Các nhà khoa học vẫn đang sàng lọc kho dữ liệu mà sứ mệnh cung cấp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn