MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở khi tránh bão Nalgae ở làng Kusiong, Maguindanao, Philippines. Ảnh: AP

Sạt lở trên đường tránh bão Nalgae, hơn 100 người chết ở Philippines

Anh Vũ LDO | 31/10/2022 15:28

Bão Nalgae là một trong những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất tấn công Philippines trong năm nay.

Ngày 31.10, các quan chức địa phương cho biết, ít nhất 105 người chết ở Philippines do sạt lở trên đường tránh bão Nalgae. Gần hai triệu người khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt ở một số tỉnh của Philippines.

Có ít nhất 53 trong số 105 người chết đến từ tỉnh Maguindanao, trong một khu tự trị Hồi giáo. Nơi đây đã trở thành đầm lầy bởi những trận mưa lớn bất thường do bão Nalgae gây ra. Cơn bão đã đi vào Biển Đông vào ngày 30.10, để lại dấu vết tàn phá trong một vùng rộng lớn của quần đảo, AP đưa tin.

Lực lượng cứu hộ với xe ủi đất và chó đánh hơi vẫn tiếp tục tìm kiếm nạn nhân của cơn bão ở làng Kusiong, phía nam tỉnh Maguindanao, nơi xảy ra trận lở đất.

Cơ quan ứng phó thảm họa của chính phủ nước này cho biết, đã có ít nhất 98 người chết vì bão và 7 trường hợp tử vong khác được ba thống đốc tỉnh báo cáo. Ít nhất 69 người bị thương và 63 người khác vẫn mất tích.

Nơi tránh sóng thần của người dân làng Kusiong đã trở thành đầm lầy do một lượng nước và đất đá lớn sạt lở từ sườn núi. Ảnh: AP

Khoảng 1,9 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão, bao gồm hơn 975.000 người phải chạy đến các trung tâm sơ tán hoặc trú ở nhà của người thân.

Ít nhất 4.100 ngôi nhà và 16.260 ha lúa và các loại cây trồng khác đã bị hư hại bởi nước lũ. Hiện tại, Philippines đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực do nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn, cơn bão phá hoại mùa màng đã khiến cho tình trạng này càng trầm trọng hơn.

Số người mất tích chính thức có thể còn gia tăng, vì có thể có những trường hợp toàn bộ gia đình có thể đã bị chôn vùi và không còn thành viên nào còn sống để cung cấp tên và thông tin chi tiết cho nhà chức trách.

Cơn bão Nalgae đã khiến gần 200 chuyến bay nội địa và quốc tế đã bị hủy, sân bay quốc tế của Manila đã phải đóng cửa trong thời gian ngắn giữa thời tiết mưa bão và các chuyến đi trong vùng biển có bão bị lực lượng bảo vệ bờ biển cấm, khiến hàng nghìn hành khách mắc kẹt tại sân bay.

Lịch sử đau buồn

Thảm họa ở Kusiong - nơi sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc thiểu số Teduray - đặc biệt thảm khốc vì hơn 2.000 dân làng tại đây đều thực hiện các cuộc diễn tập ứng phó với thiên tai hàng năm trong nhiều thập kỷ để chống chọi với sóng thần. Nhưng cuối cùng, họ lại bị vùi lấp bởi đất đá từ núi Minandar, nơi họ xây dựng ngôi làng của mình.

“Khi người dân nghe thấy tiếng chuông cảnh báo, họ chạy đến và tụ tập tại một nhà thờ trên một khu đất cao” - Naguib Sinarimbo, Bộ trưởng Nội vụ của khu tự trị Bangsamoro, nói với AP.

Nhân viên cứu hộ sử dụng gậy để tìm kiếm thi thể nạn nhân bị vùi lấp. Ảnh: AP

“Vấn đề không phải là một cơn sóng thần tấn công mà là một khối lượng lớn nước và bùn từ trên núi đổ xuống” - ông nói thêm.

Vào tháng 8.1976, một trận động đất mạnh 8,1 độ richter và sóng thần ở vịnh Moro xảy ra vào nửa đêm đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và các tỉnh ven biển bị tàn phá. Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử Philippines.

Nằm giữa vịnh Moro và núi Minandar cao 446 mét, làng Kusiong là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa năm 1976. Ngôi làng không bao giờ quên thảm kịch và những người cao tuổi sống sót sau trận sóng thần đã truyền lại câu chuyện kinh hoàng cho con cháu, cảnh báo họ hãy luôn chuẩn bị tinh thần.

“Hàng năm, dân làng tổ chức các cuộc diễn tập để chống chọi với sóng thần. Dân làng thậm chí còn được dạy về âm thanh của một cơn sóng lớn đang đến gần, dựa trên hồi ức của những người sống sót sau trận sóng thần. Tuy vậy, họ không tập trung vào các hiểm họa từ phía sườn núi” - ông Naguib Sinarimbo nói.

Có hơn 100 nhân viên cứu hộ từ lực lượng quân đội, cảnh sát và tình nguyện viên từ các tỉnh khác đã đến Kusiong hôm 29.10, nhưng họ không thể đào ở vị trí nhà thờ vì bùn vẫn còn mềm.

Một video của lực lượng bảo vệ bờ biển cung cấp cho giới truyền thông cho thấy một số người của lực lượng này đang giúp tìm kiếm các thi thể bị chôn vùi ở Kusiong bằng cách chọc những thanh gỗ dài vào lớp bùn màu nâu nhạt đục ngầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn