MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Bỉ

Sau khí đốt Nga, EU đang phải từ bỏ nhiên liệu hạt nhân của Nga

Thanh Hà LDO | 25/03/2024 15:41

Áp lực về đạt mục tiêu giảm phát thải carbon và việc nhanh chóng đoạn tuyệt khí đốt Nga đã thúc đẩy Bỉ và các nước châu Âu khác quan tâm tới năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, với uranium được làm giàu của Nga chiếm tới 30% nguồn cung của EU trong năm 2022, khối 27 thành viên có nguy cơ phải chuyển từ phụ thuộc quốc gia này sang quốc gia khác.

"Việc thay đổi chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng hạt nhân, rất phức tạp nhưng chúng ta cần thực hiện càng nhanh càng tốt. Chúng ta cần ngắt kết nối với nhiên liệu hạt nhân Nga nhưng cũng cần phải đảm bảo vẫn có thể sản xuất điện không phát thải" - Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chia sẻ với Financial Times.

Tháng 12 năm ngoái, Bỉ quyết định gia hạn thời gian tồn tại của 2 lò phản ứng hạt nhân mà nước này dự kiến đóng cửa vào năm 2025.

Hiện các lò phản ứng này sẽ hoạt động tới năm 2035. Tuy nhiên, ông De Croo chia sẻ, cá nhân ông nghĩ rằng, thời gian tồn tại của các lò phản ứng này nên kéo dài thêm 20 năm.

Trước đó, lãnh đạo từ hơn 30 quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh năng lượng hạt nhân đầu tiên do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Brussels ngày 21.3 cũng nêu thông điệp về việc mở rộng năng lượng hạt nhân.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết, hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân phản ánh sự thay đổi đang diễn ra và là sự thay đổi đáng chú ý.

Việc phục hưng ngành năng lượng hạt nhân bắt đầu được đề cập từ năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 28 của Liên Hợp Quốc, khi 25 quốc gia, trong đó có Canada, Anh và Mỹ ký cam kết tăng gấp 3 lần năng lượng hạt nhân vào năm 2050.

Đây là dấu mốc trở lại của ngành này sau cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.

Seth Grae - Chủ tịch Hội đồng quốc tế của Hiệp hội Hạt nhân Mỹ - cho biết, một phần khó khăn trong tìm kiếm giải pháp thay cho uranium làm giàu của Nga là do thiếu nhà đầu tư.

“Năng lực làm giàu uranium tiêu tốn hàng tỉ USD nên chúng tôi cần sự đảm bảo từ các chính phủ" - ông nói.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết, Pháp và Áo là những quốc gia đang tham gia kế hoạch mở rộng nhà máy hạt nhân của Hungary do nhà thầu Rosatom của Nga đảm nhận.

Áo, Luxembourg và Đức phản đối việc EU chi ngân sách cho năng lượng hạt nhân do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn tài trợ cần cho năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Khí hậu Áo Leonore Gewessler lưu ý: “Mỗi dự án hạt nhân kéo dài hàng thập kỷ và phát sinh chi phí đắt đỏ, đặt ra nguy cơ bóp méo thị trường khi nguồn ngân sách của EU dành cho nỗ lực tốn kém như vậy".

Một nhà ngoại giao EU tiết lộ, nguồn tài trợ của EU cho năng lượng hạt nhân sẽ là "quà Giáng sinh" cho Pháp, nước có 56 lò phản ứng hạt nhân, lớn nhất châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn