MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập Tam Hiệp xả lũ, tháng 8.2020. Ảnh: Xinhua

Siêu đập Trung Quốc gấp 3 đập Tam Hiệp tác động tiềm ẩn đến Ấn Độ

Ngọc Vân LDO | 19/07/2023 10:59

Siêu đập mới của Trung Quốc ở Tây Tạng có công suất gấp 3 đập Tam Hiệp có thể ảnh hưởng đến Ấn Độ.

Tờ Hindu và một số hãng tin khác cho hay, Trung Quốc đang xây dựng một con siêu đập ở Tây Tạng, chỉ cách biên giới Ấn Độ 30 km. Con đập có thể có những tác động địa chính trị tiềm ẩn đối với Ấn Độ.

Theo các phương tiện truyền thông, con đập mới được xây dựng gần đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Tây Tạng, gần phần hạ lưu sông Brahmaputra của Ấn Độ mà Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo.

Brahmaputra - một trong những con sông dài nhất thế giới - bắt nguồn từ Tây Tạng và kết thúc ở Vịnh Bengal.

Yarlung Tsangpo là phần trên của sông Brahmaputra, nơi dự án đầy tham vọng của Trung Quốc được xây dựng.

Với mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực đối với các dự án thủy điện ở Tây Tạng. Tự hào với công suất theo kế hoạch là 60 gigawatt, con đập mới sẽ vượt qua cả đập Tam Hiệp của Trung Quốc cả về quy mô và công suất. Đập Tam Hiệp hiện được công nhận là công trình thủy điện lớn nhất thế giới.

Vị trí của dự án khổng lồ được cho là chỉ cách biên giới Ấn Độ 30 km và là nguyên nhân chính gây lo ngại về địa chính trị ở Ấn Độ.

Sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng. Ảnh: Xinhua

Sau khi rời Khu tự trị Tây Tạng, Yarlung Tsangpo nhập vào sông Brahmaputra, chảy qua các bang Arunachal Pradesh, Assam của Ấn Độ và Bangladesh. Con sông có tầm quan trọng đối với các cộng đồng dọc theo hai bờ. Người dân dựa vào nước sông và đất đai màu mỡ để làm nông nghiệp, tưới tiêu và đánh bắt cá.

Một con đập khổng lồ như vậy có thể cản trở dòng chảy của đất phù sa màu mỡ do dòng sông mang đến, ảnh hưởng tiêu cực đến các vùng canh tác ở hạ lưu. Nguồn nước chung từ lâu đã khiến quan hệ Trung - Ấn trở nên phức tạp.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố con đập là dự án thủy điện đập dâng (có hồ chứa nhỏ hoặc không có hồ chứa) và sẽ không chuyển hướng nước của sông Brahmaputra, song các chuyên gia vẫn lo ngại rằng, nó vẫn có thể làm giảm lưu lượng nước trong mùa hè. Và nếu Trung Quốc quyết định xả nước từ con đập trong mùa gió mùa, thì có thể là thảm họa đối với bang Assam vốn hay bị lũ lụt.

Theo tờ Hindu, năm 2021, Trung Quốc bắt đầu xây siêu đập trên sông Mabja Zangbo ở Tây Tạng. Con đập nằm cách ngã ba khoảng 16 km về phía bắc (biên giới Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc). Sông Mabja Zangbo bắt nguồn từ hạt Nagari, Tây Tạng và chảy qua Nepal trước khi hợp lưu với sông Ghaghara, sông này cuối cùng đổ vào sông Hằng.

Với việc Trung Quốc xây dựng một con đập trên sông này, nó không chỉ có thể chuyển hướng nước mà còn tích trữ một lượng đáng kể, có khả năng dẫn đến tình trạng khan hiếm nước ở các khu vực phụ thuộc vào dòng chảy của sông Mabja Zangbo. Điều này có thể có tác động bất lợi đến các khu vực hạ lưu, bao gồm cả ở Nepal, nơi các con sông như Ghaghara và Karnali có thể có mực nước thấp hơn.

Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã phê duyệt dự án siêu đập vào tháng 3.2021, theo tờ Nikkei.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn