MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kim tự tháp Ai Cập. Ảnh: Britanica

Siêu radar Trung Quốc phát hiện điều lạ ở kim tự tháp Ai Cập

Ngọc Vân LDO | 08/09/2024 09:56

Siêu radar ở Hải Nam, Trung Quốc, có thể phát hiện hiện tượng thời tiết bất thường trên kim tự tháp Ai Cập Giza - cách xa tới 9.600 km.

SCMP đưa tin, với sự hỗ trợ của radar mạnh nhất thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra bong bóng plasma xuất hiện trên cả kim tự tháp Ai Cập và quần đảo Midway, gần như cùng lúc.

Bong bóng plasma xích đạo là hiện tượng thời tiết bất thường ở các vùng vĩ độ thấp, do sự biến mất đột ngột của một số lượng lớn các hạt tích điện trong tầng điện ly - một phần của tầng khí quyển trên của Trái đất.

Giống như một bong bóng, vùng cạn kiệt electron này có thể gây rối loạn cho các thiết bị định vị GPS và cũng có thể làm gián đoạn liên lạc vệ tinh. Và chúng có thể đạt kích thước lên tới hàng trăm km đường kính.

Nhưng nhờ có radar tầng điện ly tầm xa vĩ độ thấp (LARID), được xây dựng vào năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể phát hiện ra những bong bóng plasma này trên radar.

Vào ngày 27.8, Viện Địa chất và Địa vật lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh, đăng tải trên website kết quả thử nghiệm phát hiện bong bóng plasma bằng radar lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Radar LARID của Trung Quốc có thể phát hiện bong bóng plasma ở cả kim tự tháp Ai Cập và quần đảo Midway gần Hawaii. Ảnh: Viện Khoa học Trung Quốc

Những bong bóng plasma này - do một cơn bão Mặt trời gây ra - xuất hiện rõ ràng trên màn hình radar của Trung Quốc từ ngày 4 đến ngày 6.11 năm ngoái, với các tín hiệu radar có thể phát hiện xa nhất ở Bắc Phi và trung tâm Thái Bình Dương.

Bằng cách phân tích các tín hiệu này, các nhà khoa học không chỉ quan sát quá trình hình thành chi tiết của các bong bóng plasma mà còn theo dõi chuyển động của chúng theo thời gian thực.

Nằm trên đảo Hải Nam, mũi phía nam của Trung Quốc, radar LARID khổng lồ có phạm vi phát hiện là 9.600 km - xa tới tận Hawaii về phía đông hoặc Libya về phía tây.

Hoạt động trong băng tần 8-22MHz, LARID bao gồm hai hệ thống radar con, hướng về phía đông và phía tây, mỗi hệ thống có 24 bộ ăng-ten thu phát.

Theo nhóm dự án, LARID áp dụng hệ thống mảng pha kỹ thuật số tiên tiến, cho phép điều chỉnh tần số phát hiện, phạm vi, trường quét và các thông số mã hóa radar theo thời gian thực dựa trên nhu cầu thực tế.

Trước đây, việc vận hành radar có phạm vi phát hiện tổng thể bao phủ gần một nửa Trái đất được coi là không thể.

Ban đầu, phạm vi phát hiện hiệu quả của LARID chỉ là 3.000 km. Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy nửa năm, phạm vi phát hiện tối đa đã tăng gấp ba lần.

Bong bóng plasma có thể có tác động đáng kể đến chiến tranh hiện đại và đã có nhiều nghiên cứu liên quan được các lực lượng quân sự trên toàn thế giới thực hiện, bao gồm cả Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, do thiếu các cơ sở quan sát dài hạn, quy mô lớn trên các đại dương nên khả năng hiểu biết và cảnh báo sớm của con người về các sự kiện này vẫn còn khá hạn chế.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã đề xuất xây dựng thêm ba đến bốn radar vượt đường chân trời tương tự như LARID ở các khu vực vĩ ​​độ thấp trên toàn cầu.

Mạng lưới siêu radar này dự kiến ​​sẽ đạt được khả năng giám sát liền mạch theo thời gian thực các bong bóng plasma xích đạo trên toàn thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn