MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga vẫn cung cấp khí đốt qua đường ống cho châu Âu. Ảnh chụp màn hình

Số phận 2 đường ống dẫn khí Nga cuối cùng đến châu Âu

Song Minh LDO | 09/04/2024 06:56

Hai đường ống dẫn khí Nga cuối cùng đến châu Âu vẫn hoạt động hiệu quả, giúp tăng xuất khẩu khí đốt Nga đến EU.

Trang Montel News đưa tin, nguồn cung khí đốt qua đường ống và LNG của Nga sang châu Âu trong tháng 3 tăng 0,8% so với tháng 2, lên 162 triệu mét khối/ngày. Lưu lượng đường ống tăng nhẹ bù đắp cho xuất khẩu LNG chậm lại.

Trong tháng 3, Nga đã xuất khẩu khoảng 90,6 triệu mét khối khí đốt/ngày qua hai đường ống dẫn khí còn lại tới châu Âu, tăng 2,7 triệu mét khối/ngày, tương đương 3%, theo dữ liệu của Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu (Entsog).

Theo Entsog, khí đốt đến Đông Nam châu Âu qua hệ thống đường ống dẫn khí Turkstream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) tăng 9%, lên tới gần 49 triệu mét khối/ngày. Trong khi đó, các dòng khí đốt Nga vào Slovakia từ Ukraina qua điểm biên giới Velke Kapusany thấp hơn 3%, ở mức 42 triệu mét khối/ngày.

Dữ liệu theo dõi tàu từ công ty tư vấn Kpler cho thấy, các chuyến hàng LNG từ Nga đến châu Âu - ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ - đã giảm 2%, xuống 71 triệu mét khối/ngày.

Bỉ là nước nhập khẩu LNG Nga lớn nhất, chiếm 40% tổng lượng, tương đương 28 triệu mét khối/ngày. Pháp đứng ở vị trí thứ hai, với 19 triệu mét khối/ngày.

Ông Yury Onyshkiv - nhà phân tích thị trường khí đốt của LSEG ở Kiev - cho biết sự gia tăng lưu lượng khí đốt qua đường ống Turkstream là không đáng kể, nhưng có thể là dấu hiệu cho thấy động cơ tăng mua khi giá khí đốt chuẩn châu Âu (TTF) giảm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 3 từ trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (thứ 3 từ phải), Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (thứ 2 từ phải), Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov (thứ 2 từ trái) tham dự lễ khánh thành dự án TurkStream ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8.1.2020. Ảnh: Xinhua

Hợp đồng khí đốt TTF giao sau kết thúc tháng 3 ở mức 27,34 euro/MWh, so với 29 euro/MWh vào đầu tháng 2 và 31 euro/MWh vào đầu năm.

Ông Onyshkiv cho rằng nhu cầu khí đốt không lớn vì châu Âu kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ rất dồi dào.

Ông nói: “Bổ sung dự trữ khí đốt vào mùa hè có thể là một quyết định tài chính khôn ngoan, khi giá dự kiến ​​sẽ giảm hơn nữa”, đồng thời lưu ý rằng “không cần phải vội vàng” bổ sung bởi dự trữ vẫn còn cao.

Theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, mức dự trữ khí đốt trên toàn EU là 59% công suất, so với khoảng 56% một năm trước.

James Waddell, người đứng đầu bộ phận khí đốt châu Âu và LNG toàn cầu tại Energy Aspects, cũng cho biết khối lượng xuất khẩu vẫn tương đối thấp, khiến những thay đổi về tỉ lệ phần trăm có vẻ rõ ràng hơn.

Ông nói: “Khí đốt Nga qua đường ống đến châu Âu thấp hơn của Na Uy, Anh và Algeria trong cơ cấu nguồn cung của châu Âu”.

Mặc dù châu Âu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và than của Nga sau chiến sự Ukraina, nhưng châu Âu vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu khí đốt Nga. Tuy nhiên, châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ dần tất cả các hoạt động nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027.

Trước xung đột Nga - Ukraina, châu Âu nhập 40% lượng khí đốt từ Nga, nhưng con số này đã giảm xuống dưới 10% trong bối cảnh nguồn cung từ các nước khác tăng, nhu cầu tổng thể giảm và công suất năng lượng tái tạo cao hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn