MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Xinhua

Số phận của những người phát hiện lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Thanh Hà LDO | 22/06/2024 12:30

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - được xem là nơi nguy hiểm và cho tới nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa dám mở niêm phong của ngôi mộ này.

Trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, những dòng sông thủy ngân lỏng độc hại, được xây dựng như một bản đồ thu nhỏ về vương quốc của hoàng đế, chỉ là một trong nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi mở khu phức hợp sâu nhất trong lăng mộ.

Tại lăng mộ hơn 2.200 năm này, các chuyên gia cũng lo lắng về việc để đội quân đất nung ra ngoài trời bởi sẽ làm bong tróc và làm bay hơi lớp sơn trên các tác phẩm điêu khắc.

Do vậy, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang kỹ thuật chụp cắt lớp Muon (Muography) để quan sát khu lăng mộ.

Đây là những thông tin được chia sẻ trong bộ phim tài liệu mới của Netflix "Bí ẩn các chiến binh đất nung". Bộ phim tài liệu của đạo diễn người Anh James Tovell, khám phá cuộc đời, cái chết và di sản khảo cổ của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên), người đã thành công trong việc thống nhất Trung Quốc năm 221 trước Công nguyên.

Những thành tựu khác của Tần Thủy Hoàng bao gồm Vạn Lý Trường Thành, thiết lập mạng lưới đường bộ toàn quốc và chuẩn hóa chữ viết và đơn vị đo lường. Bộ phim tài liệu trên Netflix cũng có thông tin về những lời nguyền của lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ảnh: Xinhua

Những nông dân ở gần thành phố Tây An phát hiện ra bức tượng đầu tiên trong số 8.000 chiến binh đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng khi đang đào một cái giếng mới giữa đợt hạn hán năm 1974.

Chi tiết gây nhiều chú ý là 3 trong số 7 nông dân đã chết trong những hoàn cảnh bi thảm. Trong đó, Wang Puzhi, 60 tuổi, treo cổ tự tử năm 1997 sau khi không thể chi trả các hóa đơn điều trị bệnh tật của mình. Hai nông dân khác là Yang Wenhai và Yang Yanxin đều qua đời ở độ tuổi ngoài 50 trong tình trạng không xu dính túi.

Những người còn lại sống với mức thu nhập chưa tới vài USD mỗi ngày sau nhiều năm ký sách cho khách du lịch tại các cửa hàng lưu niệm trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Một trong những người nông dân còn sống là Yang Zhifa. Ông Yang từng chia sẻ với China Daily: “Thời tiết rất khô vào năm 1974 và ngũ cốc trên đồng chết khô. Lãnh đạo thôn chúng tôi quyết định đào một cái giếng nên chúng tôi tìm một chỗ trũng và bắt đầu đào. Chúng tôi thấy đất đỏ ở độ sâu khoảng 1 m rất cứng. Đến ngày thứ ba, tôi đào tới một thứ giống như cái bình. Thực ra đó là đầu của một chiến binh đất nung, nhưng lúc đó chúng tôi không biết. Một dân làng khác nhờ tôi đào nhẹ nhàng để anh ấy có thể mang "chiếc bình" về nhà đựng đồ. Sau đó, chúng tôi đào được một bức tượng như trong đền thờ”.

Không ai biết những bức tượng ở nơi đào giếng này sẽ là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Các mảnh vỡ vương khắp cánh đồng, nông dân đã bán nhiều đầu mũi tên bằng đồng cho các cơ sở phế liệu.

Các nhà khảo cổ đến đây nhiều tháng sau đó và những người nông dân mới nhận ra tầm quan trọng của phát hiện này.

Ông Yang chưa bao giờ đến xem đội quân đất nung được phục dựng trong suốt 20 năm kể từ ngày đào giếng và phát hiện bức tượng đầu tiên. Ông chỉ trở lại khi người quản lý cửa hàng quà tặng của bảo tàng yêu cầu ông làm công việc ký sách về di chỉ này năm 1995 với mức lương mỗi tháng khi đó là 300 nhân dân tệ (khoảng 40 USD theo tỉ giá ngày nay).

Thời điểm bài viết của China Daily đăng tải, ông Yang vẫn còn giữ chiếc cuốc dùng để đào các chiến binh đất nung. Ông dùng nó để trồng hoa xung quanh nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn