MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu thuyền trên sông Dương Tử đoạn qua Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 8.2018. Ảnh: Xinhua

Sông Dương Tử và 2 hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc có nguy cơ bị bức tử

Ngọc Vân LDO | 27/05/2024 17:20

Sông Dương Tử và 2 hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị bức tử do hành vi của con người.

Tờ SCMP đưa tin, Văn phòng Giám sát Trung ương về Bảo vệ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc ra báo cáo cho biết, tình trạng ô nhiễm và khai thác bất hợp pháp đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hồ Bà Dương và Động Đình - 2 hồ điều hòa của sông Dương Tử.

Hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa mực nước sông Dương Tử, bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì cân bằng sinh thái khu vực.

Tuy nhiên, theo báo cáo, các quy định về đê thấp ở hồ Bà Dương không được thực thi, lệnh cấm đánh bắt cá ở các vùng nước trọng điểm và bảo vệ đời sống thủy sinh không được thực hiện đầy đủ, và vấn đề ô nhiễm nông nghiệp rất đáng báo động.

Chính quyền địa phương sau đó đã tiến hành điều tra riêng và phát hiện 44 con đê bất hợp pháp vẫn còn tồn tại.

Hồ Bà Dương cũng bị đe dọa bởi việc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá thiếu hiệu quả. Năm 2021, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thương mại trong 10 năm đối với sông Dương Tử - lệnh cấm đầu tiên như vậy trên con sông dài nhất châu Á - nhằm bảo vệ đời sống thủy sinh tại đây. Lệnh cấm đã được áp dụng trên dòng sông chính và các phụ lưu chính.

Hồ Bà Dương là nơi sinh sống của loài cá heo không vây Dương Tử đang có nguy cơ tuyệt chủng. Gần 98% tổng số sếu Siberia, một loài cực kỳ nguy cấp, cũng trú đông ở đó. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, các loài sinh vật này vẫn tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa từ các băng nhóm săn trộm.

Hơn nữa, việc sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu trong khu vực lưu vực hồ đã dẫn đến nồng độ phốt pho trong nước cao - đến mức không còn đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài các hoạt động của con người, các hồ nước và môi trường sống của nhiều loài cũng bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm lũ lụt và hạn hán thường xuyên. Hồ Bà Dương trong những năm gần đây ghi nhận mùa khô sớm hơn và khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới.

Lòng hồ Bà Dương khô hạn ngày 17.8.2022. Ảnh: Xinhua

Đối với hồ Động Đình, nằm ở tỉnh Hồ Nam và có diện tích lớn thứ hai sau hồ Bà Dương, mối đe dọa hàng đầu là khai thác cát trái phép và trồng cây bất hợp pháp khiến hệ sinh thái của hồ bị phá hủy.

Báo cáo cho biết, các bờ tự nhiên của sông Dương Tử và một số nhánh chính của sông cũng bị xâm lấn nghiêm trọng, đặc biệt là do xây dựng trái phép. Một số cảng vượt quá diện tích quy hoạch và xây dựng không phép.

Chất thải công nghiệp và sinh hoạt cũng được phát hiện gây ô nhiễm nghiêm trọng hệ thống sông hồ. Tại huyện Vân Dương, Trùng Khánh, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đã được thải trực tiếp vào sông Tiêu, một nhánh chính của sông Dương Tử.

Sông Meixi, một nhánh quan trọng khác, bị đe dọa bởi hai cảng than và cát mà không có hệ thống phun nước và che chắn thích hợp.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, các quy định và mệnh lệnh hiện hành nhằm khắc phục việc xây dựng bến tàu bất hợp pháp đã không thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, toàn diện.

Đáp lại, các cơ quan chính phủ ở nhiều thành phố và quận huyện được trích dẫn trong báo cáo đã bày tỏ cam kết khắc phục các vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn