MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đang xông khói một khu vực để phòng dịch sốt xuất huyết tại một khu nhà ở Jakarta hôm 11.4. Ảnh: AFP.

Sốt xuất huyết làm phức tạp thêm nỗ lực chống COVID-19 ở Indonesia

Lê Thanh Hà LDO | 22/06/2020 19:30

Giới chức Indonesia đang hết sức quan ngại về một cuộc khủng hoảng sức khỏe khác do dịch sốt xuất huyết, trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nước này.

Indonesia đã có khoảng 68.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết do muỗi truyền từ tháng 1, với ít nhất 349 trường hợp tử vong, Bangkok Post dẫn lời Giám đốc Viện nghiên cứu bệnh lây truyền qua vật trung gian thuộc Bộ Y tế Indonesia, tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi, cho hay.

Con số thống kê cho thấy số người mắc thấp hơn mức 98.000 cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại là các trường hợp mắc sốt xuất huyết đang tiếp tục tăng lên dù các tháng cao điểm của dịch bệnh vào tháng Ba và tháng Tư đã qua.

"Tính đến tháng 6 chúng ta vẫn ghi nhận số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dao động trong khoảng 100 đến 500 ca mỗi ngày. Chúng tôi chưa lý giải được tại sao tình hình năm nay lại diễn biến khác biệt như vậy", Tiến sĩ Tarmizi nói trong cuộc họp báo ở Jakarta. 

Dịch sốt xuất huyết tấn công giữa lúc Indonesia vẫn đang căng mình chống COVID-19. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi nhiều bệnh nhân mắc cùng lúc cả hai dịch bệnh này. "Không loại trừ khả năng những bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ cao hơn với sốt xuất huyết", Tiến sĩ Tarmizi cho biết.

Tính đến chiều 22.6, Indonesia đã ghi nhận 45.891 ca mắc COVID-19, trong đó 2.465 người đã tử vong.

Các ca mắc sốt xuất huyết tại Indonesia có chiều hướng giảm hàng năm kể từ 2016 - thời điểm tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết và tử vong cao nhất mọi thời đại, với 204.171 trường hợp mắc bệnh và 1.598 trường hợp tử vong.

Theo Straits Times, nhận định về vấn đề này, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Rita Kusriastuti cho rằng đại dịch COVID-19 đã gây áp lực không nhỏ tới các nỗ lực ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết.

"Hệ thống giúp cư dân và chính phủ giám sát muỗi ấu trùng đã không phát huy được vai trò trong đại dịch, vì tất cả nguồn lực đang dành cho việc ứng phó COVID-19", Tiến sĩ Rita Kusriastuti nói.

Bên cạnh đó, các biện pháp áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 còn hạn chế sự di chuyển của các nhân viên y tế đến từng nhà và phân phối thuốc diệt muỗi cho cư dân.

Ngoài ra, những nơi khác có hồ chứa nước, chẳng hạn như khách sạn và khu nghỉ dưỡng, cũng không được chú ý đúng mức vì hầu hết nhân viên khách sạn đều nghỉ việc, do đó góp phần vào việc tạo điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn