MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sự giàu nghèo của một quốc gia được đo lường bằng yếu tố nào?

Hải Anh LDO | 17/11/2021 11:12
Mới đây, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới, theo báo cáo về tăng trưởng tài sản toàn cầu 2 thập kỷ qua của McKinsey & Co. Vậy sự giàu có của một quốc gia có thể được đánh giá qua những yếu tố nào?

Sự giàu có của một quốc gia, theo advocatetanmoy.com, có thể được ước tính là tổng của 3 yếu tố chính, gồm: Tài nguyên, tài sản sinh lợi, nguồn nhân lực. 

Vốn tự nhiên hoặc tài nguyên

Thành phần để đánh giá sự giàu có của một quốc gia này được tính bằng tổng đầu tư giá trị của những nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo (đất đồng cỏ, đất nông nghiệp, khu bảo tồn, dầu mỏ, than đá, khí đốt tự nhiên, khoáng sản). Tài nguyên tái tạo - đất nông nghiệp, rừng và các khu bảo tồn - có thể tạo ra lợi ích lâu dài nếu được quản lý bền vững.

Ở những nước thu nhập thấp và trung bình, giá trị tiền tệ của tài sản có thể tái tạo tăng hơn gấp đôi, theo kịp tốc độ tăng dân số trung bình, với giá trị đất nông nghiệp thu được lớn hơn rừng.

Tài sản sinh lợi hay tài sản sản xuất

Đây là yếu tố thể hiện tổng giá trị của kho máy móc và thiết bị, công trình kiến ​​trúc và đất đô thị của một quốc gia.

Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực của một quốc gia bao gồm "lao động thô" (tức số lượng người trong lực lượng lao động của một quốc gia), vốn con người và vốn xã hội. Sự giàu có về vốn con người khác với khái niệm về phát triển con người hoặc khả năng của con người. 

Thuật ngữ “vốn” biểu thị một nguồn lực có thể được sử dụng cho sản xuất kinh tế. Một nền giáo dục tốt có giá trị nội tại ngoài việc giúp người lao động được trả lương cao hơn. Sức khỏe tốt cũng có lợi ích, không phụ thuộc vào tác động của nó với sản xuất và tiền lương. 

Ước tính sự giàu có về vốn con người của các quốc gia dựa trên hồi quy tiền lương được dùng để tính thu nhập kỳ vọng với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời họ, dựa trên độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn. Điều tra lực lượng lao động và hộ gia đình được sử dụng để đo lường số lượng người lao động theo độ tuổi, giới tính và trình độ học vấn cũng như thu nhập của họ.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một dự án đo lường các nền kinh tế theo sự giàu có, để có được bức tranh toàn cảnh hơn về tình hình một quốc gia, cả trong hiện tại và tương lai. Báo cáo The Changing Wealth of Nations của WB phân tích sự giàu có của 141 quốc gia, từ năm 1995 đến năm 2014 từng nhấn mạnh: “Mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia có liên quan chặt chẽ đến thành phần của cải quốc gia đó". 

Nhìn chung, với hầu hết các quốc gia, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có liên quan chặt chẽ tới sự giàu có của đất nước. Tuy nhiên, advocatetanmoy.com lưu ý, GDP giống như một chỉ báo về tiến bộ kinh tế của một quốc gia, không phải sự giàu có - tức những tài sản như cơ sở hạ tầng, rừng, khoáng sản và vốn con người  - những điều sẽ tạo ra GDP. 

Tổng giá trị tài sản ròng

Đưa tin về báo cáo Trung Quốc vượt Mỹ thành quốc gia giàu nhất thế giới về tổng giá trị tài sản ròng của McKinsey & Company, Sputnik lưu ý, các nhà kinh tế phương Tây, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các ngân hàng đầu tư lớn trên toàn cầu dự kiến Trung Quốc sẽ chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP vào cuối những năm 2020. GDP của Trung Quốc dự kiến ​​đạt 15,6 nghìn tỉ USD trong năm 2021 trong khi của Mỹ là 23,2 nghìn tỉ USD. 

Giá trị tài sản ròng (net worth) là kết quả sau khi lấy giá trị của tất cả tài sản (bao gồm tài sản tài chính và phi tài chính) đang sở hữu trừ đi tất cả khoản nợ hiện chưa thanh toán. 

Cũng theo Sputnik, McKinsey & Company nhấn mạnh trong báo cáo rằng, mối liên kết truyền thống dự kiến ​​được quan sát giữa "giá trị tài sản ròng" và GDP (vốn để đo lường giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng), sẽ không còn được áp dụng nữa, với tốc độ tăng trưởng GDP giảm tới 1 chữ số ở nhiều quốc gia khi "giá trị tài sản ròng" tiếp tục tăng. Hiện nay, giá trị tài sản ròng của Mỹ được ước tính gấp khoảng 4,3 lần GDP, trong khi của Trung Quốc là 8,2 lần. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn