MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa bệ phóng SpaceX Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon của Space X được triển khai tại Trung tâm Vũ trụ Kenedy ở Florida, Mỹ. Ảnh: AFP

Sứ mệnh lịch sử: SpaceX đưa phi hành gia NASA lên ISS

Phương Linh LDO | 15/11/2020 19:21
Tàu con thoi Crew Dragon của SpaceX đưa phi hành gia NASA lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào ngày 15.11.

AFP đưa tin, các phi hành gia tham gia nhiệm vụ gồm 3 người Mỹ thuộc NASA - Michael Hopkins, Victor Glover, Shannon Walker - và Soichi Noguchi của Nhật Bản, khởi hành vào lúc 19h27 tối 15.11 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida. Mỹ hy vọng chuyến đi này sẽ là sứ mệnh đầu tiên, mở đầu cho loạt sứ mệnh thường xuyên sau lần bay thử nghiệm thành công cuối mùa xuân vừa rồi.

Từ trái sang: Ba phi hành gia NASA - Shannon Walker, Victor Glover, Mike Hopkins - và phi hành gia Soichi Noguchi của Nhật Bản trong một buổi diễn tập trước khi phóng lên vũ trụ bằng tàu Crew Dragon. Ảnh: AFP

Vào tháng 5, SpaceX đã thực hiện thành công một sứ mệnh thử nghiệm cho thấy nó có thể đưa các phi hành gia lên ISS và mang họ trở lại an toàn, chấm dứt gần một thập kỷ phụ thuộc vào Nga.

"Lần này, chúng tôi đang làm nên lịch sử khi phóng một tàu vũ trụ tới Trạm vũ trụ quốc tế", đại diện NASA, Jim Bridenstine, phát biểu với các phóng viên hôm 13.11.

Lễ phóng tàu vũ trụ sẽ có sự tham gia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân Karen Pence.

Phi hành đoàn sẽ cập bến tại điểm đến vào khoảng 23h ngày 16.11 và ở lại trong thời gian 6 tháng cùng với hai người Nga và một người Mỹ hiện đã có mặt trên trạm vũ trụ ISS.

Đầu tuần này, Crew Dragon đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên được NASA chứng nhận kể từ chương trình ''Tàu con thoi'' của NASA bắt đầu hoạt động gần 40 năm trước.

Crew Dragon có hình dạng tương tự một tàu vũ trụ có trước chương trình ''Tàu con thoi'', và được phóng lên bởi SpaceX Falcon 9 có thể tái sử dụng.

NASA đã chuyển sang SpaceX và Boeing sau khi đóng cửa chương trình ''Tàu con thoi'' vào năm 2011, chương trình này đã thất bại trong mục tiêu chính là làm cho việc du hành vũ trụ trở nên hợp lý và an toàn.

Cơ quan này sẽ chi hơn 8 tỉ USD cho chương trình Phi hành đoàn thương mại vào năm 2024, với hy vọng khu vực tư nhân có thể giải quyết các nhu cầu của NASA trong lĩnh vực "quỹ đạo Trái đất tầm thấp" để họ tập trung vào các sứ mệnh quay trở lại Mặt trăng và sau đó đến Sao Hỏa.

SpaceX, được thành lập bởi tỉ phú Elon Musk vào năm 2002, vượt qua đối thủ lâu đời hơn rất nhiều là Boeing - đã thử nghiệm thất bại đối với tàu vũ trụ Starliner không người lái vào năm 2019.

Tuy nhiên, thành công của SpaceX không có nghĩa là Mỹ sẽ ngừng hợp tác hoàn toàn với Nga, ông Bridenstine cho biết.

“Chúng tôi muốn có một cuộc trao đổi chỗ ngồi để các phi hành gia Mỹ có thể bay trên tên lửa Soyuz của Nga và các phi hành gia Nga có thể bay trên các phương tiện du hành thương mại của Mỹ”, ông Bridenstine nói và giải thích rằng điều này là cần thiết trong trường hợp một trong hai chương trình đã ngừng hoạt động trong một thời gian.

Tuy nhiên, thực tế là mối quan hệ trong lĩnh vực không gian giữa Mỹ và Nga, một trong số ít những điểm sáng trong quan hệ song phương của hai nước, đã rạn nứt trong những năm gần đây, do đó nhiều vấn đề vẫn chưa thể nói chắc chắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn