MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phi hành đoàn Thần Châu 13 thành công cập bến module lõi Thiên Hà trạm vũ trụ Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sứ mệnh Thần Châu 13 bắt tay vào xây dựng trạm vũ trụ Trung Quốc

Bảo Châu LDO | 17/10/2021 13:46
Sứ mệnh Thần Châu 13 của Trung Quốc đã cập bến module lõi trạm vũ trụ Thiên Hà, bắt tay vào xây dựng công trình trạm vũ trụ dài nhất trong không gian.

Tân Hoa Xã đưa tin, tàu vũ trụ Thần Châu 13 chở theo 3 phi hành gia Trung Quốc, phóng lên vũ trụ vào 0h23 ngày 16.10 từ bãi phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, đã cập bến module lõi Thiên Hà sau hành trình dài 6,5 giờ.

 Lễ tiễn 3 phi hành gia sứ mệnh Thần Châu 13 trước khi khởi hành vụ phóng vào không gian. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), đây là sứ mệnh bay thứ 21 kể từ khi chương trình không gian có người lái của nước này được phê duyệt và khởi động, và là sứ mệnh có phi hành đoàn thứ 2 trong tổng cộng 4 sứ mệnh Trung Quốc cần thực hiện để hoàn tất dự án xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung.

 Các phi hành gia phát biểu trước chuyến đi. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nhiệm vụ quan trọng trong quỹ đạo

Các phi hành gia sứ mệnh Thần Châu 13 sẽ lưu lại trên quỹ đạo trong vòng 6 tháng, kỷ lục mới nhất về thời gian thực hiện sứ mệnh không gian của phi hành đoàn Trung Quốc.

Trong thời gian này, họ sẽ tiến hành thử nghiệm các công nghệ quan trọng để lắp ráp và xây dựng trạm vũ trụ Thiên Hà, chẳng hạn như việc chuyển module dưới sự hỗ trợ của cánh tay robot và các hoạt động từ xa, theo công bố của Phó Giám đốc CMSA Lin Xiqiang tại họp báo.

Trong sứ mệnh lần này, các phi hành gia cũng sẽ thực hiện từ 2 đến 3 chuyến đi ngoài không gian, đồng thời thực hiện kiểm chứng thêm các công nghệ hỗ trợ sức khỏe, sinh hoạt và làm việc trên quỹ đạo.

 Ba phi hành gia thành công cập bến module lõi Thiên Hà sau hành trình kéo dài 6,5 tiếng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ngoài ra, họ sẽ thực hiện các thí nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như y học vũ trụ và vật lý vi trọng lực, cũng như các hoạt động giáo dục khoa học đa dạng.

Sau khi hoàn thành, sứ mệnh Thần Châu 13 sẽ có đánh giá toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ của các hệ thống dự án khác nhau trên trạm vũ trụ và khả năng tương thích giữa các hệ thống.

Nữ phi hành gia Wang Yaping của sứ mệnh Thần Châu 13 là giáo viên không gian đầu tiên của Trung Quốc khi cô thực hiện bài giảng khoa học trên truyền hình cho hơn 60 triệu học sinh trong sứ mệnh trên tàu vũ trụ Thần Châu 10 vào năm 2013. Cô sẽ có một bài giảng mới trong sứ mệnh Thần Châu 13, khuyến khích sinh viên Trung Quốc nói ra những điều họ muốn biết về không gian.

Cô cũng tiết lộ rằng đây sẽ là lần đầu tiên các phi hành gia Trung Quốc tổ chức đón Tết Nguyên đán trong không gian. Họ sẽ mở những gói hàng đặc biệt cho ngày lễ truyền thống này.

Hướng tới hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung trong năm 2022

Trung Quốc đã lên kế hoạch hoàn thành việc thử nghiệm các công nghệ quan trọng và xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung trên quỹ đạo thông qua nhiều lần phóng.

Có tổng cộng 5 sứ mệnh phóng được thực hiện trong năm 2021, đó là lần phóng module lõi Thiên Hà, tàu chở hàng Thiên Châu-2, sứ mệnh có phi hành đoàn Thần Châu 12, tàu chở hàng Thiên Châu 3 cùng sứ mệnh phi hành đoàn Thần Châu 13.

Ba phi hành gia Trung Quốc trên tàu vũ trụ Thần Châu 12 được đưa lên quỹ đạo để xây dựng trạm vũ trụ, đã hoàn thành sứ mệnh kéo dài 3 tháng và trở về Trái đất an toàn vào ngày 17.9.

Sau sứ khi mệnh Thần Châu 13 hoàn thành và đánh giá được toàn diện toàn bộ hệ thống, CMSA dự kiến sẽ tiếp tục phóng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 4 và sau đó là tàu vũ trụ chở hàng Thần Châu 14 để cung cấp hàng hóa cho phi hành đoàn.

Tàu vũ trụ Thần Châu 13 cùng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F chuẩn bị được đưa đến khu vực phóng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong thời gian phi hành đoàn Thần Châu 14 ở trên quỹ đạo, các module phòng thí nghiệm Wentian và Mengtian sẽ được phóng lên để đồng hành cùng với module lõi Thiên Hà. Việc xây dựng tổ hợp ba module sẽ được hoàn thành trước cuối năm 2022.

Sau đó, đến lượt tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 5 và tàu vũ trụ Thần Châu 15 sẽ được phóng lên để bắt đầu chuyển động quay trên quỹ đạo của phi hành đoàn trong trạm vũ trụ.

Sau khi hoàn thành tất cả các sứ mệnh kể trên và đánh giá toàn diện về tình trạng hoạt động, trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ bước vào một giai đoạn ứng dụng và phát triển mới.

Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ Trung Quốc theo kế hoạch sẽ được phóng lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh khảo sát bầu trời một cách độc lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn