MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu thám hiểm sao Hỏa ExoMars của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Ảnh: ESA

Sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa của Châu Âu "đứt gánh" vì Nga

Khánh Minh LDO | 06/08/2022 07:29
Châu Âu "đau đầu" với sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa sau khi chấm dứt hợp tác với Nga.

Tàu thám hiểm sao Hỏa ExoMars Rosalind Franklin Rover của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) có lẽ là nạn nhân lớn nhất của ngành vũ trụ trong cuộc xung đột Nga-Ukraina. Ban đầu dự kiến ra mắt vào năm 2018, chiếc tàu thám hiểm cuối cùng cũng được tuyên bố sẵn sàng để phóng (sau nhiều lần trì hoãn) vào tháng 9 năm nay bằng tên lửa Proton của Nga từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina đã làm hỏng kế hoạch này.

ESA đã chính thức chấm dứt hợp tác trong sứ mệnh ExoMars với Nga vào tháng 7, khiến chiếc tàu thám hiểm - được thai nghén từ năm 2004 - một lần nữa bị trì hoãn. Quan trọng hơn là ExoMars không có tàu đổ bộ để hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa. Tàu đổ bộ được Nga xây dựng khi tham gia chương trình ExoMars vào năm 2012 sau khi đối tác ban đầu là NASA rút ​​lui.

Theo Space.com, ESA vẫn chưa quyết định về số phận của sứ mệnh. Sau khi đã chi 1,3 tỉ USD cho chương trình này, ESA sẽ phải lựa chọn giữa việc bỏ hoàn toàn tàu thám hiểm hoặc chi một khoản tiền đáng kể khác để thay thế các thiết bị của Nga. Trong trường hợp lựa chọn thứ hai, các ước tính lạc quan nhất cho thấy ExoMars có thể rời Trái đất vào năm 2028.

Đối với nhiều nhà khoa học Châu Âu, việc từ bỏ sứ mệnh không phải là một lựa chọn, không chỉ vì khoản đầu tư khổng lồ đã đổ vào. Mặc dù tàu thám hiểm Perseverance của NASA đang thực hiện mục tiêu thu thập mẫu sao Hoả và trả về Trái đất, các nhà khoa học Châu Âu vẫn cho rằng ExoMars có thể đóng góp vào hành trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa theo những cách mà Perseverance không làm được.

Exomars được trang bị công cụ hiệu quả để tìm kiếm sự sống trên sao Hoả. Ảnh: ESA
 

Sức mạnh lớn nhất và thành tựu khoa học hứa hẹn nhất của ExoMars là mũi khoan dài 2m. Theo một số nhà thiên văn học, mũi khoan này có thể có cơ hội tìm thấy dấu vết của sự sống trên sao Hỏa trong quá khứ hoặc hiện tại cao hơn so với Perseverance.

Các cuộc khai quật sâu theo thiết kế của ExoMars có thể giúp các nhà khoa học hiểu được sao Hỏa và sự thay đổi mà hành tinh đỏ đã phải trải qua.

Địa điểm hạ cánh dự kiến ​​của ExoMars là Oxia Planum - một lưu vực giàu đất sét cổ đại gần vùng nhiệt đới phía bắc của sao Hỏa. Địa điểm này đã được một hội đồng khoa học liên Châu Âu lựa chọn cẩn thận vì nó cung cấp các điều kiện tốt nhất để lưu giữ dấu vết của sự sống.

Được hình thành cách đây khoảng 4 tỉ năm, lưu vực được bao phủ bởi trầm tích hạt mịn, có diện tích lưu vực hàng nghìn km, nơi mà trước đây nước từng tích tụ. Đó là một khu vực rất khác với miệng núi lửa Jezero nơi tàu thám hiểm Perseverance của NASA đang hoạt động.

Địa điểm hạ cánh dự kiến ​​của ExoMars là Oxia Planum - một lưu vực giàu đất sét cổ đại gần vùng nhiệt đới phía bắc của sao Hỏa. Ảnh: ESA
 

Theo Susanne Schwenzer - nhà sinh vật học thiên văn tại Đại học Mở của Anh và John Bridges - giáo sư khoa học hành tinh tại Đại học Leicester Anh, mối quan hệ đối tác với Nga - được ban lãnh đạo ESA dưới thời Tổng giám đốc Jean-Jacques Dordain đưa ra một cách vội vàng vào năm 2012 - là "một sai lầm chiến lược”. Tuy nhiên, có những lý do khác để tiếp tục sứ mệnh ExoMars, bởi một thế hệ các nhà khoa học Châu Âu đã gắn bó sự nghiệp với sứ mệnh này kể từ khi bắt đầu vào năm 2004.

"Có sự thất vọng bởi vì có quá nhiều công việc đã đổ vào ExoMars. Các công cụ, các nhóm khoa học. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn nên gắn bó với nó và cố gắng thu hồi tất cả những gì đã đầu tư cho khoa học, chứ không chỉ vung tay lên trong thất vọng và bỏ đi" - giáo sư Bridges nói.

Schwenzer nói thêm rằng để cung cấp câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi lớn, liệu đã từng có sự sống trên sao Hỏa hay chưa, các nhà khoa học muốn xem xét càng nhiều dữ liệu càng tốt.

ESA hiện đang đánh giá các lựa chọn cho sứ mệnh ExoMars. Một trong số các khả năng là quay trở lại đối tác ban đầu NASA - người có thể hạ cánh tàu thám hiểm bằng các công nghệ đã được chứng minh của mình, nhưng với sự đóng góp tài chính đáng kể từ ESA.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn