MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Twinkle, sứ mệnh ngoại hành tinh thương mại đầu tiên trên thế giới, sẽ lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu thiên văn. Ảnh: Blue Skies Space

Sứ mệnh vũ trụ tiếp theo đưa thiên văn học bước vào kỷ nguyên mới

Ngọc Vân LDO | 06/06/2021 15:30
Tàu vũ trụ thiên văn thương mại đầu tiên Twinkle chuẩn bị phóng vào năm 2024 sẽ đưa ngành thiên văn học bước vào kỷ nguyên mới.

Sứ mệnh thiên văn thương mại đầu tiên trên thế giới, Twinkle, đang thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ngoại hành tinh khi nó thực hiện các bước tiến tới việc phóng vào năm 2024 với kinh phí đảm bảo để bắt đầu xây dựng vệ tinh vào đầu năm tới, theo Space.com.

Năm 2014, khi Marcell Tessenyi - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ngành thiên văn tại Đại học London (UCL) - đưa ra ý tưởng phát triển sứ mệnh thiên văn thương mại đầu tiên trên thế giới, anh biết mình sẽ phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Trong nhiều thập kỷ, các cơ quan không gian được chính phủ tài trợ như NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã phụ trách các dự án kính viễn vọng không gian tốn kém, mất nhiều thập kỷ để phát triển và tiêu tốn hàng tỉ USD.

Bảy năm sau, thiết bị theo dõi ngoại hành tinh tư nhân Twinkle được hơn 10 trường đại học từ khắp nơi trên thế giới hỗ trợ, đã nhận được tài trợ của ESA và sẽ sớm được tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ của Châu Âu Airbus chế tạo.

Thiếu công cụ để nghiên cứu ngoại hành tinh

Đối với Tessenyi, ngoại hành tinh là tình yêu sét đánh. Nhưng khi anh quyết định theo đuổi sở thích này trong thời gian làm luận án tiến sĩ ngành thiên văn học tại UCL, anh nhận thấy rằng việc nghiên cứu các thế giới lạ quay quanh các ngôi sao xa xôi đã gặp nhiều trở ngại. Vào thời điểm đó, kính viễn vọng không gian Kepler của NASA thường xuyên đưa tin về việc phát hiện ra hàng trăm ngoại hành tinh mới, nhưng không có công cụ tiện lợi nào giúp bạn có thể tìm hiểu thêm về chúng.

Thất vọng với sự thiếu tiến bộ trong lĩnh vực này, và cũng thất vọng khi năm 2014 ESA từ chối đề xuất của UCL cho một sứ mệnh ngoại hành tinh mới, Tessenyi đã tiếp cận các thầy hướng dẫn của mình là Jonathan Tennyson và Giovanna Tinneti với ý tưởng thực hiện các sứ mệnh không gian khác - giống như một công việc kinh doanh.

"Luận án tiến sĩ của tôi đã tìm hiểu những yêu cầu kỹ thuật cần thiết cho các vệ tinh để có thể quan sát một cách toàn diện bầu khí quyển ngoài hành tinh để chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng hiểu biết thực sự về những hành tinh này được tạo thành từ gì" - Tessenyi nói.

Sao Hải Vương ấm và siêu Trái đất là những loại hành tinh kỳ lạ được biết tồn tại trong các hệ Mặt trời khác. Ảnh: Blue Skies Space

Vấn đề với Hubble

Cả kính thiên văn Hubble và Spitzer kỳ cựu (nghỉ hưu vào tháng 1.2020) đều đã được hình thành trước khi ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện vào năm 1992. Chỉ nhờ vào các thủ thuật kỹ thuật thông minh mà các nhà thiên văn học đã điều chỉnh được tín hiệu quay trở lại từ những kính thiên văn này để thu thập một số thông tin về những hành tinh xa xôi đó.

Tuy nhiên, bức ảnh xuất hiện từ những bộ dữ liệu khan hiếm này thật hấp dẫn: Những quả cầu khí khổng lồ nóng hơn 2.000 độ C (kể từ đó có biệt danh là sao Mộc nóng), các hành tinh làm bằng kim cương, nhưng cũng có những hành tinh giống Trái đất có thể có sự sống. Ngoài việc khan hiếm, thông tin cũng không đầy đủ, chỉ cung cấp cái nhìn sơ lược nhất về bản chất của những thế giới bí ẩn đó và để lại nhiều câu hỏi.

Những người sáng lập Blue Skies Space, công ty đứng sau Twinkle, sứ mệnh vũ trụ thiên văn thương mại đầu tiên trên thế giới. Marcell Tessenyi đứng thứ hai từ trái sang. Ảnh: Blue Skies Space

Một mô hình mới cho thiên văn học

Tessenyi quyết định thành lập công ty mang tên Blue Skies Space với tư cách là giám đốc điều hành. Công ty khởi nghiệp này nhằm thu hút nguồn vốn từ những người ủng hộ tư nhân với mục tiêu bán dữ liệu khoa học giống như SpaceX bán các chuyến đi tới trạm vũ trụ hoặc Planet bán các hình ảnh quan sát Trái đất.

Năm ngoái, Blue Skies Space đã ký hợp đồng với khách hàng thứ 10, một cột mốc quan trọng theo Tessenyi.

Với khoảng 10% chi phí của một sứ mệnh không gian trung bình, Twinkle nặng 350kg với kính thiên văn 50cm sẽ có thể thực hiện các phép đo quang phổ các ngoại hành tinh chính xác như Hubble khổng lồ 31 tuổi, theo Tessenyi. Nhưng công ty đã hình dung ra một tương lai xa hơn Twinkle.

Tessenyi nói: “Chúng tôi là nhà cung cấp thương mại dịch vụ dữ liệu. Các trường đại học có thể đăng ký thuê bao vệ tinh của chúng tôi và truy cập các tập dữ liệu mà họ sẽ không thể có được ở đâu khác".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn