MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sao Mộc, "người bảo vệ" của Hệ Mặt trời. Ảnh: NASA

Sự sống trên Trái đất có thể không tồn tại nếu thiếu sao Mộc

Anh Vũ LDO | 04/09/2023 13:34

Hành tinh khí khổng lồ ở rìa của Hệ Mặt trời được cho là “người bảo vệ” của các hành tinh bên trong.

Các nhà khoa học đã ghi nhận một vụ va chạm mới giữa sao Mộc và thiên thể từ vành đai tiểu hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời.

Vụ va chạm xảy ra vào ngày 29.8 vừa qua, khi một tài khoản được liên kết với dự án Kính viễn vọng tự động có tổ chức dành cho khảo sát sự kiện tình cờ (OASES) và hệ thống Camera quan sát hành tinh dành cho khảo sát thoáng qua quang học (PONCOTS) đã đăng về sự kiện trên X, cảnh báo về một tia sáng quan sát được trong bầu khí quyển của Sao Mộc.

Trang web Nhật ký hành tinh MASA sau đó đã chia sẻ đoạn phim cho thấy một luồng ánh sáng ngắn phát ra từ Sao Mộc có liên quan đến một vụ va chạm rõ ràng với sao chổi hoặc tiểu hành tinh.

Một quan sát độc lập khác được thực hiện bởi một nhà thiên văn nghiệp dư người Trung Quốc ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, cho thấy một tia sáng lóe lên ở cùng một vị trí trên bầu khí quyển dày đặc, hỗn loạn của Sao Mộc.

“Khi tôi thức dậy vào buổi sáng và mở X, tôi thấy thông tin về một tia sáng kỳ lạ trên bề mặt Sao Mộc. Tối hôm đó, khi tôi kiểm tra video về thời điểm tương ứng, tôi thấy một tia sáng. Tôi rất may mắn khi chụp được hiện tượng này khi nó xảy ra”, chủ tài khoản MASA cho biết.

Theo các nhà khoa học, sao Mộc thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công của những tiểu hành tinh từ bên ngoài Hệ Mặt trời, và đó cũng là lý do nó quan trọng với sự sống trên Trái đất.

Sao Mộc ảnh hưởng thế nào tới Hệ Mặt trời?

Sao Mộc hay Mộc Tinh là hành tinh thứ năm tính từ Mặt Trời và là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Nó là hành tinh khí khổng lồ với khối lượng bằng một phần nghìn của Mặt Trời nhưng bằng hai lần rưỡi tổng khối lượng của tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cộng lại.

Sự hiện diện của Sao Mộc và Sao Thổ trong hệ mặt trời được cho là đã gián tiếp giúp sự sống trên Trái đất phát triển. Hành tinh khí khổng lồ này được coi là có vai trò lớn trong việc bảo vệ các hành tinh bên trong Hệ Mặt trời khỏi các tiểu hành tinh và sao chổi bằng cách thu hút và hấp thụ các tác động, như là một tấm khiên di động bảo vệ Hệ Mặt trời khỏi bị các tiểu hành tinh bắn phá.

Sao Mộc thường xuyên trải qua các vụ va chạm vũ trụ do lực hấp dẫn mạnh mẽ và nằm gần vành đai tiểu hành tinh của Hệ Mặt trời. Đáng chú ý nhất là các mảnh vỡ của sao chổi Shoemaker-Levy 9 đã va chạm với Sao Mộc vào năm 1994, để lại những tổn thương trong bầu khí quyển mà các nhà thiên văn học có thể nhìn thấy trong nhiều tháng sau đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn