MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu vũ trụ BepiColombo trong sứ mệnh chung giữa ESA và JAXA đã chụp lại quang cảnh bề mặt sao Thủy trong chuyến tiếp cận vào ngày 1.10. Ảnh: ESA/BepiColombo

Sửng sốt bề mặt sao Thủy chi chít miệng núi lửa

Phương Linh LDO | 03/10/2021 10:37
Tàu vũ trụ chung của Châu Âu và Nhật Bản đã chụp được cận cảnh bề mặt sao Thủy đầy miệng núi lửa trong lần tiếp cận đầu tiên hôm 1.10.

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), tàu vũ trụ BepiColombo đã chụp bức ảnh chính thức đầu tiên về sao Thủy lúc 19h44 tối 1.10, theo giờ ET (tức 6h44 ngày 2.10, giờ Hà Nội) bằng Máy ảnh Giám sát Module Chuyển động Sao Thủy 2 khi tàu thăm dò cách hành tinh này 2.418km. Chỉ 10 phút trước đó, vào 19h34, giờ ET, BepiColombo đã tiếp cận gần nhất với sao Thủy trong phạm vi 200km.

Qua bức ảnh của tàu BepiColombo, có thể nhìn thấy hàng chục miệng núi lửa trên bề mặt của sao Thủy.

Trong nội dung mô tả ảnh, ESA cho hay: "Khu vực được hiển thị là một phần của bán cầu bắc sao Thủy bao gồm địa điểm Sihtu Planitia từng chìm ngập trong dung nham. Một khu vực hình tròn mượt mà và sáng hơn xung quanh đặc trưng cho các vùng đồng bằng xung quanh miệng núi lửa Calvino, được gọi là đồng bằng Rudaki".

Ngoài ra, còn có miệng núi lửa Lermontov rộng 166km, có màu trắng sáng vì nó có chứa đặc trưng độc ​​đáo của sao Thủy được gọi là ''lỗ rỗng'', nơi các nguyên tố dễ bay hơi thoát ra ngoài không gian. Nó cũng chứa một lỗ thông hơi tại nơi các vụ nổ núi lửa đã xảy ra.

ESA đã công bố một bức ảnh kèm theo chú thích cụ thể về các miệng núi lửa lớn trên sao Thủy cùng bức ảnh gốc của tàu BepiColombo. Dự kiến trong những ngày tới, sẽ có nhiều hình ảnh hơn được công bố sau khi được nhóm khoa học của BepiColombo xử lý.

Chú thích chi tiết của ESA về các địa điểm trên sao Thủy. Ảnh: ESA/JAXA 

BepiColombo là một sứ mệnh chung của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), được khởi động vào năm 2018, trị giá 750 triệu USD. Sứ mệnh bao gồm 2 quỹ đạo khác nhau được thiết kế để nghiên cứu chi tiết về sao Thủy với tổng cộng 16 thiết bị. Nhiệm vụ thực sự của sứ mệnh là đặt 2 tàu thăm dò quanh quỹ đạo sao Thủy: Tàu quỹ đạo hành tinh Mercury Planetary Orbiter của ESA nghiên cứu sao Thủy từ trên cao và tàu Mercury Magnetospheric Orbiter hay Mio của JAXA nghiên cứu từ trường, môi trường plasma và bụi của hành tinh.

Các tàu quỹ đạo này hiện đang xếp chồng lên nhau trong cấu hình hiện tại với thiết bị gọi là module chuyển giao sao Thủy cho đến khi triển khai năm 2025. Khi tàu vũ trụ Bepicolombo tiếp cận sao Thủy để bắt đầu hoạt động nói trên, module tàu vũ trụ sẽ tách ra và 2 tàu quỹ đạo sẽ bắt đầu quay quanh hành tinh

Cho đến nay, tàu BepiColombo đã thực hiện thành công 4 chuyến bay ngang qua 3 hành tinh khác nhau: lần 1 là Trái đất vào tháng 4.2020, 2 lần tiếp theo bay qua sao Kim vào tháng 10.2020 và tháng 8.2021 và lần gần đây nhất ngày 1.10 là sao Thủy. 

Chuyến bay tiếp cận sao Thủy lần tới được lên kế hoạch vào ngày 20.6.2022 và tiếp theo sẽ là 4 lần bay nữa vào tháng 6.2023, tháng 9.2024, tháng 12.2024 và tháng 1.2025. Nếu mọi việc suôn sẻ đúng theo kế hoạch, tàu BepiColombo dự kiến ​​sẽ đi vào quỹ đạo sao Thủy vào ngày 5.12.2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn