MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hóa thạch cua 100 triệu năm trước mắc kẹt trong hổ phách là mẫu vật lâu đời và hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay. Ảnh: China University of Geosciences

Sửng sốt phát hiện hóa thạch cua 100 triệu năm trước kẹt trong hổ phách

Bảo Châu LDO | 22/10/2021 17:30
Hóa thạch một con cua mắc kẹt trong miếng hổ phách được phát hiện là mẫu vật hoàn chỉnh và lâu đời nhất từ trước đến nay.

Theo kết quả sau nhiều năm nghiên cứu về mẫu vật vừa được công bố ngày 20.10 trên tạp chí Science Advances, loài cua trong miếng hổ phách được đặt tên là Cretapsara athanata, nghĩa là "linh hồn bất tử của mây và nước trong kỷ Phấn trắng", theo tên các linh hồn trong thần thoại Đông Nam Á và Nam Á.

Trước khi phát hiện mẫu vật này các nhà khoa học đã phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: Những hóa thạch đã được biết đến cho thấy loài cua sống trên cạn và nước ngọt tách ra khỏi họ hàng biển của chúng từ 50 đến 75 triệu năm trước. Nhưng hồ sơ phân tích DNA và RNA cho thấy họ cua đã tách ra từ hơn 125 triệu năm trước.

Đó là lý do các nhà nghiên cứu đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra loài cua trong mẫu hổ phách lại trông giống như các loài cua biển khác.

 Hình minh họa loài cua mới phát hiện. Ảnh: Harvard University

Bằng cách sử dụng phương pháp quét CT vi mô, nhóm nghiên cứu có thể chụp được các bộ phận nhỏ bé của con cua như râu, chân, mắt và thậm chí cả yếm của nó, tất cả đều được bảo quản hoàn hảo trong khối hổ phách. 

Đồng tác giả nghiên cứu Javier Luque cho biết: “Loài cua đáng kinh ngạc này trông giống như loài hiện đại mà bạn có thể thấy trên các bờ biển, nhưng nó thực sự rất lâu đời và khác với bất cứ thứ gì từng thấy trước đây”. 

Miếng hổ phách ban đầu được những người thợ mỏ tìm thấy ở Myanmar, sau này hai nhà nghiên cứu tình cờ bắt gặp nó trong một khu chợ ở huyện Đằng Xu, thành phố Bảo Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Mẫu vật này có niên đại từ thời khủng long, tương đương 100 triệu năm trước, thu hẹp khoảng cách giữa hai họ cua được biết đến trước đó. Cho đến nay, đây là bằng chứng lâu đời nhất về một loài ''cua thực sự'' trên cạn và là hóa thạch loài cua hoàn chỉnh nhất đã từng được phát hiện. Bằng chứng giúp chỉ ra rằng cua đã chuyển sang sống trên cạn hoặc sống lưỡng cư vào khoảng thời gian đó, sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. 

Một con cua thực sự tương phản với "cua giả" như cua ẩn cư hoặc cua hoàng đế. Những loài này được coi là động vật giáp xác nhưng không phải cua bởi chúng cùng họ với tôm và tôm hùm.

Việc phát hiện ra loài cua cổ đại mới đã khiến các nhà nghiên cứu tin rằng một loại sự kiện được gọi là Cách mạng cua kỷ Phấn trắng, với các loại cua thật và cua giả đa dạng trên toàn thế giới, đã xảy ra ít nhất trong 12 lần riêng biệt. 

Nhà khoa học Luque giải thích, có vẻ như loài cua làm rất tốt quá trình tiến hóa, chúng đã được thiên nhiên phân loại và lựa chọn thay vì những người họ hàng gần giống của chúng.

Các nhà khoa học đã rất vui mừng với phát hiện mới, cho thấy loài cua thực sự là một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn bên cạnh loài khủng long.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn