MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Syria trong cơn ác mộng tồi tệ sau 10 năm chiến tranh

Song Minh LDO | 11/03/2021 10:19
Syria phải đối mặt với "cơn ác mộng tồi tệ" 10 năm sau chiến tranh khi các cuộc biểu tình ôn hòa bị đàn áp dữ dội đưa đất nước vào "con đường kinh hoàng" của tàn phá và đổ máu - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết hôm 10.3.

Theo AP, người đứng đầu Liên Hợp Quốc đánh dấu 10 năm cuộc xung đột ở Syria - bắt đầu vào giữa tháng 3.2011 - bằng lời chỉ trích gay gắt về tác động của cuộc chiến đối với người dân Syria, nói rằng họ "đã phải chịu đựng một số tội ác lớn nhất mà thế giới đã chứng kiến ​​trong thế kỷ này" và "quy mô của những hành động tàn bạo làm chấn động lương tâm".

Chiến tranh Syria đã khiến gần nửa triệu người thiệt mạng, hơn một triệu người bị thương và khiến một nửa dân số của đất nước phải di dời, trong đó có hơn 5 triệu người phải tị nạn.

Trong năm qua, tình hình Syria càng trở nên phức tạp bởi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính nghiêm trọng và sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở một quốc gia mà các cơ sở y tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột.

Ông Guterres cho biết, người dân Syria “đã bị vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn và có hệ thống”, bom đã dội xuống nhà cửa, trường học, bệnh viện và chợ, “vũ khí hóa học gây đau thương khôn tả” và dân thường chết đói ở các thành phố bị bao vây.

Ông Guterres nói: “Các bên đã áp đặt những hạn chế không thể thực hiện được đối với viện trợ nhân đạo, và họ đã nhiều lần vi phạm luật nhân đạo quốc tế mà cho đến nay vẫn không bị trừng phạt”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, khoảng 60% người Syria "có nguy cơ đói trong năm nay". Ông kêu gọi tiếp cận nhân đạo nhiều hơn, cung cấp thực phẩm cũng như các viện trợ nhân đạo khác qua biên giới và qua các chiến tuyến xung đột.

Ông Guterres khẳng định, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi một thỏa thuận chính trị cho cuộc xung đột Syria dựa trên một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua vào tháng 12.2015.

Nghị quyết này nhất trí thông qua lộ trình hòa bình ở Syria, vốn đã được các đại diện của Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Arab, Liên minh Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh - thông qua tại Geneva vào ngày 30.6.2012.

Nghị quyết kêu gọi một tiến trình chính trị do Syria lãnh đạo, bắt đầu bằng việc thành lập một cơ quan quản lý chuyển tiếp, sau đó là soạn thảo hiến pháp mới và kết thúc bằng các cuộc bầu cử có sự giám sát của Liên Hợp Quốc.

Hội nghị hòa bình ở Syria do Nga đăng cai vào tháng 1.2018 đã đạt được thỏa thuận để thành lập một ủy ban gồm 150 thành viên nhằm soạn thảo hiến pháp mới, kéo dài đến tháng 9.2019.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc, Geir Pedersen, nhắc lại sự thất vọng của ông vào tháng trước rằng, sau 5 vòng thảo luận sơ bộ nhằm sửa đổi hiến pháp của Syria, vẫn không có tiến triển nào. Ông ám chỉ phái đoàn chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về việc thiếu tiến triển này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, "bước đầu tiên" trên con đường dẫn đến một thỏa thuận chính trị được thương lượng "phải là tiến bộ hữu hình trong ủy ban hiến pháp".

Ông Guterres đặc biệt kêu gọi chính phủ Syria bắt đầu các cuộc thảo luận thực chất về hiến pháp và tránh xa các vấn đề thủ tục.

Tổng thư ký cho rằng, các bên có cơ hội “vượt ra khỏi tình trạng xung đột vĩnh viễn” và tìm thấy điểm chung, đồng thời cộng đồng quốc tế cũng phải bắc cầu “đối thoại ngoại giao bền vững và mạnh mẽ”.

“Nếu không làm như vậy sẽ chỉ khiến người dân Syria thêm tuyệt vọng” - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn