MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ lật thuyền ngoài khơi bờ biển Libya hôm 12.11 đã khiến ít nhất 74 người di cư thiệt mạng. Ảnh: CBC

Tai nạn lật thuyền ngoài khơi Libya: Ít nhất 74 người di cư thiệt mạng

Phương Linh LDO | 13/11/2020 11:18
Ít nhất 74 người di cư đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền khơi bờ biển Libya ngày 12.11.

CBC dẫn nguồn tin từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, ít nhất 74 người di cư đã chết đuối sau khi con thuyền đang trên đường đến Châu Âu bị lật ngoài khơi gần cảng biển al-Khums của Libya hôm 12.11. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt ít nhất 8 vụ đắm thuyền ​​ở Trung Địa Trung Hải kể từ tháng 10 tới nay.

Cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc cũng cho hay, con thuyền gặp nạn đang chở theo hơn 120 người di cư, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Chỉ có 47 người được lực lượng bảo vệ bờ biển Libya và ngư dân cứu sống và đưa vào bờ.

Cho đến nay 31 thi thể đã được trục vớt trong khi công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại vẫn đang được tiếp tục, IOM thông tin.

Trong những năm kể năm 2011, đất nước bị chiến tranh tàn phá - Libya - đã nổi lên như một điểm trung chuyển chính cho những người di cư từ Châu Phi và Trung Đông ôm hy vọng đến Châu Âu.

Những kẻ buôn người thường nhồi nhét những gia đình tuyệt vọng vào những chiếc thuyền caosu không được trang bị an toàn, chạy dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải đầy nguy hiểm. Theo IOM, ít nhất 20.000 người đã chết ở vùng biển này kể từ năm 2014.

Ông Federico Soda, Giám đốc IOM tại Libya, cho biết: “Tổn thất nhân mạng ngày càng gia tăng ở Địa Trung Hải là biểu hiện của việc các quốc gia không đưa ra các hành động mạnh mẽ để triển khai năng lực tìm kiếm và cứu hộ chuyên nghiệp và cần thiết cho các cuộc vượt biển chết chóc nhất trên thế giới''.

Hôm 10.11, 13 người di cư Châu Phi, trong đó có 3 phụ nữ và 1 trẻ em đã chết đuối trong một vụ đắm tàu ​​tương tự ngoài khơi bờ biển Libya.

IOM cho biết họ đã nhận thấy tình trạng gia tăng gần đây về số lượng các chuyến đi khởi hành từ các bờ biển Libya, với hơn 780 lượt đến Italia kể từ đầu tháng 10. Hơn 11.000 người di cư đã bị chặn lại và buộc quay trở về Libya, nơi họ phải đối mặt với nguy cơ vi phạm nhân quyền và bị giam giữ.

"IOM khẳng định rằng Libya không phải là một bến đỗ an toàn để quay trở lại và nhắc lại lời kêu gọi với cộng đồng quốc tế và Liên minh Châu Âu thực hiện hành động khẩn cấp và cụ thể để chấm dứt chu kỳ quay trở lại và bị bóc lột", tuyên bố từ IOM cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn