MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tại sao biến thể Delta vừa mạnh hơn vừa dễ lây lan hơn?

Khánh Minh LDO | 15/08/2021 10:13
Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10, đang thúc đẩy sự gia tăng các ca COVID-19 mới trên toàn cầu do khả năng lây lan cao hơn các biến thể khác.

Biến thể Delta là gì?

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở một bệnh nhân tại Ấn Độ ngày 20.4. Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là một trong bốn biến thể "đáng lo ngại", biến thể Delta đã nhanh chóng vượt qua các chủng khác ở Nhật Bản và ước tính hiện chiếm 95% tổng số ca bệnh ở Tokyo - tờ Japan Times cho biết hôm 14.8.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tin rằng biến thể Delta dễ lây như thủy đậu và khả năng lây lan cao gấp đôi so với các biến thể trước đó.

Ban đầu, các chuyên gia không tin rằng những người được tiêm phòng đầy đủ có thể lây virus, nhưng CDC cho biết điều này không áp dụng với biến thể Delta. Theo CDC, biến thể Delta dường như tạo ra cùng một lượng virus ở cả người chưa tiêm phòng và người đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, những người được tiêm chủng đầy đủ có khả năng bị lây nhiễm trong một thời gian ngắn hơn.

Tại sao biến thể Delta lại dễ lây lan như vậy?

SARS-CoV-2, tên chính thức của virus gây ra COVID-19, bao gồm một chuỗi khoảng 1.200 axit amin và có một protein gai mà coronavirus sử dụng để lây nhiễm vào tế bào người. Nó cũng đột biến vài tuần một lần. Nhiều biến thể có xu hướng đột biến xung quanh giữa chuỗi axit amin; và biến thể Delta - có sự thay đổi di truyền trong axit amin thứ 452 - cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng các đột biến có thể xảy ra ở nhiều khu vực của virus, chẳng hạn như ở biến thể Delta plus - một biến thể phụ của Delta - có các đột biến bổ sung nhưng không nhất thiết nguy hiểm hơn.

Akira Nishizono, giáo sư vi sinh vật học tại Khoa Y Đại học Oita, giải thích rằng vaccine COVID-19 có hiệu quả để ngăn chặn virus liên kết với thụ thể và xâm nhập vào các tế bào hô hấp và tiêu hóa.

Nhưng ngay cả một sự thay đổi nhỏ đối với cấu trúc bề mặt của protein gai - như đã thấy trong các biến thể mới - có thể làm suy yếu khả năng bảo vệ của hệ thống miễn dịch được kích hoạt bởi vaccine bằng cách khiến nó không thể nhận ra protein gai và tạo ra kháng thể chống lại nó. Ông Nishizono nói thêm, điều này làm tăng khả năng lây nhiễm giữa những người được tiêm phòng so với chủng virus ban đầu.

Một số nhà khoa học mô tả biến thể Delta "dính" hơn đáng kể so với các biến thể khác ở chỗ nó không dễ dàng buông bỏ một khi đã nắm được các tế bào đích.

Các nghiên cứu từ Canada và Scotland chỉ ra rằng, những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Delta có nhiều khả năng phải nhập viện hơn những người bị nhiễm biến thể Alpha hoặc chủng ban đầu.

Vaccine COVID-19 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong, nhưng do sự gia tăng các bệnh do biến thể Delta, CDC tháng trước đã thắt chặt quy định đeo khẩu trang, nói rằng ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ cũng nên tiếp tục đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Các chuyên gia tin rằng những người chưa được chủng ngừa vẫn có nguy cơ cao nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn