MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tại sao các đám đông hỗn loạn có thể gây chết người

Bảo Châu LDO | 08/11/2021 14:47
Các vụ tử vong trong đám đông tham gia lễ hội âm nhạc tại Houston, Mỹ vừa qua đã thêm vào danh sách dài những người bỏ mạng trong các sự kiện lớn đông người trên thế giới.

Tối 5.11, tại lễ hội âm nhạc Astroworld ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, Mỹ, đám đông hỗn loạn tràn về phía sân khấu khiến 8 người thiệt mạng. Và đó không phải là thảm kịch duy nhất. Vào năm 1979, 11 người chết trong một đám đông tranh giành để vào được một buổi hòa nhạc của The Who ở Cincinnati, Ohio. Tại sân vận động bóng đá Hillsborough ở Anh, một vụ giẫm đạp năm 1989 đã khiến gần 100 người thiệt mạng. Năm 2015, một vụ va chạm giữa hai đám đông tại lễ hành hương ở Saudi Arabia khiến hơn 2.400 người thiệt mạng, dựa trên một số báo cáo của các phương tiện truyền thông và công bố của chính quyền.

Giờ đây, khi ngày càng có nhiều người ra khỏi nhà và tham gia các sự kiện lớn được mở lại sau nhiều tháng phong tỏa ngăn chặn đại dịch COVID-19, rủi ro lại đang tăng lên. Tuy không phải sự kiện đông người nào cũng xảy ra chết người, nhưng các chuyên gia cảnh báo các bi kịch thường có những điểm chung

Đám đông có thể gây chết người ra sao?

Nạn nhân của các đám đông thường bị ép chặt đến mức không thể thở được.

Khi một đám đông dồn về một phía, lực tác động có thể đủ mạnh để bẻ cong thép. Nó cũng có thể tấn công mọi người từ hai hướng: Một là từ phía sau đám đông đang đẩy về phía trước và hai là từ phía trước của đám đông khi họ đang cố gắng chạy thoát. Nếu một số người chẳng may bị ngã chồng chất lên nhau, áp lực thậm chí có thể đến từ trên cao. Và thứ kẹt ở giữa chính là lá phổi của con người.

Một cuộc điều tra của người Anh về thảm kịch Hillsborough đã phát hiện ra ngạt thở là nguyên nhân hàng đầu gây ra phần lớn các trường hợp tử vong. Ngoài ra, có thể do bị chèn ép quá mức, bị giẫm đạp và nguyên nhân khác "hít phải các chất trong dạ dày".

Sự chết chóc kéo đến khi hơn 50.000 người hâm mộ đổ vào sân vận động để xem một trận đấu bóng đá trong một ngày nắng ấm. Rất nhiều người trong số họ bị dồn lại trong một đường hầm và bị ép chặt vào hàng rào bảo vệ đến nỗi khuôn mặt của họ bị biến dạng hình vết lưới, theo kết quả điều tra.

Báo cáo cho hay: “Những người sống sót được mô tả là dần dần bị nén lại, không thể cử động, đầu của họ bị khóa giữa cánh tay và vai… khuôn mặt hổn hển trong hoảng loạn. Họ nhận thức được cái chết đang cận kề nhưng bất lực vì không thể tự cứu mình”.

Nguyên nhân gây ra thảm họa đám đông

G. Keith Still, giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, từng nghiên cứu về thảm họa này xảy ra trong vòng 100 năm qua và phát hiện ra các đặc điểm chung.

Đầu tiên là thiết kế của sự kiện, phải luôn đảm bảo rằng mật độ đám đông không vượt quá các hướng dẫn an toàn, phải có đủ không gian cho tất cả mọi người và khoảng trống đủ lớn để mọi người di chuyển.

Một số địa điểm sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi dự kiến sẽ có những đám đông giàu năng lượng tham gia. Thiết lập hàng rào xung quanh sân khấu để chia các đám đông lớn thành các nhóm nhỏ hơn ngoài ra còn tạo ra các lối đi cho các nhân viên an ninh hoặc các lối thoát hiểm khẩn cấp.

Mật độ đám đông là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến những xô đẩy, dồn nén gây chết người, nhưng thường sẽ cần một chất xúc tác để khiến mọi người cùng đổ xô về cùng một hướng.

Một trận mưa hoặc mưa đá bất ngờ có thể khiến mọi người chạy tìm chỗ ẩn nấp, như trường hợp 93 người hâm mộ bóng đá ở Nepal đã thiệt mạng khi chạy về phía lối ra sân vận động bị khóa vào năm 1988. Hoặc, phổ biến hơn ở Mỹ và các quốc gia khác, khi ai đó hét lên: "Anh ta có một khẩu súng!".

Không phải lúc nào các cơn hỗn loạn cũng xảy ra do mọi người chạy trốn vì sợ hãi. Đôi khi đám đông chỉ cần di chuyển về một phía, như sân khấu biểu diễn, nhưng bị chặn lại bởi một rào cản.

Thảm họa đám đông cũng có thể do các nguyên nhân gián tiếp như hệ thống quản lý đám đông kém, các nhà tổ chức sự kiện không có các quy trình chặt chẽ để cảnh báo khi nguy cơ xảy ra.

Cần làm gì để hạn chế thảm họa đám đông

Chuyên gia Steve Allen của công ty tư vấn Crowd Safety về các sự kiện lớn trên thế giới, cho biết việc theo dõi đám đông luôn là điều quan trọng, đặc biệt là hiện nay khi các sự kiện đang gia tăng về quy mô sau một thời gian dài phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Ông khuyến nghị rằng các sự kiện đông người nên bố trí những người theo dõi đám đông được trang bị tai nghe khử tiếng ồn và có thể liên lạc trực tiếp với ban tổ chức để sẵn sàng tạm thời dừng sự kiện nếu có tình huống nguy hiểm đến tính mạng như đám đông hỗn loạn, sập kết cấu hoặc hỏa hoạn.

Allen cho hay, cá nhân ông đã từng cho dừng khoảng 25 buổi biểu diễn của những nghệ sĩ nổi tiếng như Oasis, Red Hot Chili Peppers và Eminem.

Các chuyên gia không sử dụng từ “giẫm đạp” hoặc “hoảng loạn” để mô tả các tình huống như vậy, thay vào đó, họ thường chỉ trích những người tổ chức sự kiện vì đã không cung cấp một môi trường an toàn cho người tham gia.

"An toàn không mang lại lợi nhuận, vì thế nó có xu hướng là thứ cuối cùng được trong danh sách quan tâm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn