MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tàn phá thiên nhiên khiến con người có thể đối mặt cuộc tuyệt chủng thứ 6

Ngọc Vân LDO | 15/06/2021 21:43
Giới khoa học cảnh báo, nhân loại có thể trải qua những hậu quả của cuộc tuyệt chủng thứ 6, khi hoạt động của con người tàn phá thiên nhiên với tốc độ nhanh chóng.

5 cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt

5 cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt đã làm thay đổi bộ mặt của sự sống trên Trái đất, theo Live Science.

Sự kiện tuyệt chủng Ordovic-Silurian xảy ra cách đây 443 triệu năm và xóa sổ khoảng 85% các loài. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do nhiệt độ giảm mạnh và các sông băng khổng lồ hình thành khiến mực nước biển giảm đột ngột. Sau đó là một giai đoạn ấm lên nhanh chóng. Nhiều sinh vật biển nhỏ đã chết.

Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt kỷ Devon diễn ra cách đây 374 triệu năm và giết chết khoảng 3/4 số loài trên thế giới, hầu hết là động vật không xương sống sống dưới đáy biển. Đây là thời kỳ có nhiều thay đổi về môi trường, bao gồm cả sự nóng lên và nguội đi của Trái đất, mực nước biển dâng lên và hạ xuống cũng như giảm lượng ôxy và carbon trong khí quyển. Không rõ chính xác điều gì đã kích hoạt sự kiện tuyệt chủng này.

Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong kỷ Permi, xảy ra cách đây 250 triệu năm, là sự kiện lớn nhất và tồi tệ nhất trong 5 sự kiện. Còn được gọi là cuộc đại diệt vong, sự kiện tuyệt chủng này xoá sổ hơn 95% các loài, bao gồm hầu hết động vật có xương sống đã bắt đầu tiến hóa vào thời điểm này. Một số nhà khoa học cho rằng, Trái đất đã bị một tiểu hành tinh lớn đâm vào với các hạt bụi làm cản trở Mặt trời và gây ra mưa axit. Những người khác cho rằng đã có một vụ nổ núi lửa lớn làm tăng lượng carbon và làm cho các đại dương trở nên độc hại.

Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt kỷ Trias diễn ra cách đây 200 triệu năm, xoá sổ khoảng 80% số loài trên Trái đất, bao gồm nhiều loại khủng long. Nguyên nhân của sự kiện này có thể là do hoạt động địa chất khổng lồ làm tăng mức độ carbon và nhiệt độ toàn cầu, cũng như quá trình axit hóa đại dương.

Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong kỷ Phấn trắng xảy ra cách đây 65 triệu năm, giết chết 78% các loài, bao gồm cả những loài khủng long phi chim còn lại. Điều này rất có thể là do một tiểu hành tinh va vào Trái đất ở nơi ngày nay là Mexico, có khả năng kết hợp với núi lửa lũ lụt đang diễn ra ở khu vực ngày nay là Ấn Độ.

Chúng ta đang sống trong cuộc đại tuyệt chủng thứ 6?

Nhân loại đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ đối với hành tinh của mình, bao gồm thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và cháy rừng.

Một số nghiên cứu do Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh dẫn đầu cho thấy con người là nguyên nhân của những thay đổi này. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta đã gây áp lực lên thiên nhiên bằng cách sử dụng cạn kiệt các nguồn tài nguyên mà không hỗ trợ phục hồi.

Ví dụ, thay đổi trong việc sử dụng đất đang tiếp tục phá hủy các vùng cảnh quan thiên nhiên. Con người đã biến đổi hơn 70% bề mặt đất và đang sử dụng khoảng 3/4 tài nguyên nước ngọt.

Katie Collins, phụ trách động vật thân mềm đáy tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết, tuyệt chủng hàng loạt là một vấn đề lớn và phức tạp. Chúng diễn ra chậm, có thể phải mất hàng triệu năm. Ngay bây giờ, có vẻ như chúng ta đang trải qua lần thứ 6, và đó nhiều khả năng là kết quả của các hành động của con người, bao gồm cả biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Katie nói: "Lũ lụt và cháy rừng mà chúng ta đang nghe thấy trong tin tức bây giờ sẽ trở thành hiện tượng thường xuyên xảy ra trong 50 năm nữa. Chúng sẽ là phép thử đối với khả năng chống chịu của các tòa nhà, cơ sở hạ tầng, cáp xuyên Đại Tây Dương, vệ tinh và hơn thế nữa".

"Những thảm họa thiên nhiên này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu chúng ta thay đổi cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngay bây giờ, thì sẽ có tương lai tích cực cho thế hệ tiếp theo" - Katie nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn