MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tận thấy Mặt trời phun trào nhật hoa cực mạnh

Hải Anh LDO | 18/05/2021 08:23
Tàu vũ trụ Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã ghi lại những video và hình ảnh tuyệt đẹp về một vụ phun trào cực lớn mạnh từ Mặt trời.

Tàu quỹ đạo Mặt trời Solar Orbiter ghi được những hình ảnh đầu tiên về vụ phun trào nhật hoa (coronal mass ejection/CME) dữ dội của Mặt trời khi tàu ở khoảng cách 74.029.824 km so với bề mặt của Mặt trời, gần hơn so với quỹ đạo hiện nay của sao Thủy, theo Daily Mail.

Tàu vũ trụ của ESA ghi lại những hình ảnh đầu tiên của mình về vụ phun trào nhật hoa cực lớn mạnh từ Mặt trời vào ngày 10.2. Khi đó, nó di chuyển ở vị trí khuất sau Mặt trời khi nhìn từ Trái đất, do vậy, video cần thời gian lâu hơn để chuyển về Trái đất. Vị trí của tàu dẫn tới hơn 3 tháng để dữ liệu được tải xuống và phân tích, theo nhóm nghiên cứu cơ quan vũ trụ Châu Âu.

This browser does not support the video element.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter ghi lại được vụ phun trào nhật hoa đầu tiên kể từ khi bắt đầu sứ mệnh. Nguồn: Cơ quan vũ trụ Châu Âu

Tàu quỹ đạo Mặt trời Solar Orbiter được phóng đi ngày 10.2.2020 và hiện trong giai đoạn hành trình trước sứ mệnh khoa học chính dự kiến bắt đầu tháng 11 năm nay.

Bốn trong số các công cụ chính của tàu đã hoạt động kể từ khi phóng đi, thu thập dữ liệu khoa học về môi trường xung quanh tàu vũ trụ. Tuy nhiên, có sáu thiết bị viễn thám sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm nay.

Giai đoạn hành trình hiện tại của tàu Solar Orbiter chủ yếu tập trung vào hiệu chuẩn thiết bị và các thiết bị chỉ hoạt động trong những cửa sổ kiểm tra chuyên dụng và các chiến dịch cụ thể.

Ngày 10.2.2021, tàu vũ trụ tiếp cận gần nhất với mặt trời đến điểm cận nhật (hay còn được gọi là "củng điểm quỹ đạo"). Hai ngày sau, ba trong số các thiết bị viễn thám của Solar Orbiter đã chụp được hai vụ phun trào nhật hoa lớn.

Công cụ Extreme Ultraviolet Imager EUI - máy chụp ảnh tia cực tím, Heliospheric Imager SoloHI - máy chụp ảnh nhật quyển và máy đo Metis coronagraph đã ghi lại các góc độ khác nhau của hai vụ phun trào nhật hoa lớn trong suốt một ngày ở Mặt trời.

Vụ phun trào nhật hoa của Mặt trời được quan sát từ nhiều hướng với nhiều thiết bị vũ trụ khác nhau. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu

Những vụ phun trào nhật hoa này của Mặt trời cũng được các thiết bị Proba-2 của ESA và Solar and Heliospheric Observatory (SOHO) của ESA/NASA quan sát được từ phía trước của Mặt trời.

Những vụ phun trào nhật hoa là một phần quan trọng của "thời tiết vũ trụ", Phys lưu ý.

Những hạt từ vụ phun trào nhật hoa gây ra cực quang trên các hành tinh có bầu khí quyển, gây nhiễu các vệ tinh và lưới điện trên Trái đất đồng thời có thể gây hại cho những phi hành gia không được bảo vệ. Do đó, các nhà khoa học cần hiểu các vụ phun trào nhật hoa và theo dõi tiến trình khi các hạt từ những vụ phun trào này lan truyền qua hệ mặt trời.

Nghiên cứu vụ phun trào nhật hoa chỉ là một phần trong sứ mệnh của tàu Solar Orbiter. Tàu của cơ quan vũ trụ Châu Âu cũng sẽ quan sát cận cảnh chưa từng có về Mặt trời, cung cấp những hình ảnh đầu tiên về các vùng cực chưa được thăm dò của ngôi sao trung tâm trong Dải Ngân hà.

Cùng với các phép đo từ trường và gió mặt trời trong vùng lân cận của tàu vũ trụ, sứ mệnh dự kiến mang tới những hiểu biết mới về cách mặt trời hoạt động theo chu kỳ mặt trời 11 năm và cách để dự đoán tốt hơn các giai đoạn thời tiết vũ trụ có bão.

Mặt trời phun trào nhật hoa quan sát được từ các thiết bị khác nhau trên tàu vũ trụ Solar Orbiter. Nguồn: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn