MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàn Quốc tăng lương tối thiểu lên 7.530 won/giờ từ năm 2018. Ảnh: Yonhap

Tăng lương tối thiểu: Cái khó bó cái khôn

VÂN ANH LDO | 30/12/2017 08:00

Kim Sung-chul làm việc tại một cửa hàng tiện lợi ở phía nam Seoul (Hàn Quốc) 9 tiếng mỗi ngày, thỉnh thoảng vợ ông phụ giúp. Ông cũng là chủ cửa hàng này luôn. Từ khi bắt đầu kinh doanh cách đây 4 năm, Kim kiếm được kha khá, nhưng gần đây việc làm ăn chẳng mấy thuận lợi do chi phí gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt hơn.

“Cái khôn”

“Việc thuê thêm nhân công bán thời gian là điều khó tưởng tượng nổi” - Kim nói. “Tôi từng thuê hai người làm bán thời gian, nhưng giờ không thể gánh nổi nữa” - Kim phàn nàn.

Kim chỉ là một trong số chủ sở hữu của hơn 30.000 cửa hàng tiện lợi ở khu vực này của Seoul, và cũng giống như những ông chủ tự làm khác, Kim luôn quan tâm đến chi phí điều hành, thuê mướn cao. Hiện ông chỉ có một người làm bán thời gian.

Gần đây, Kim lại gặp khó khăn nên ông bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc làm tất ăn cả mà không cần phải thuê mướn ai, khi mà Hàn Quốc đang chuẩn bị cho bước tăng mạnh lương tối thiểu trong năm 2018.

Hồi tháng 7 năm nay, chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng mức lương tối thiểu thêm 16,4%, lên mức 7.530 won (7 USD) một giờ, mức tăng cao nhất từ năm 2001. Đây là một phần trong chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Moon Jae-in tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng bằng tăng thu nhập.

Chính phủ mới của nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á quyết tâm tăng lương tối thiểu lên ít nhất 10.000 won/giờ vào năm 2020, với niềm tin là đã đến lúc cần đưa tăng trưởng nền kinh tế bớt phụ thuộc vào xuất khẩu. Các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng các hộ gia đình trung bình nên kiếm được nhiều tiền hơn, và chính phủ phải phấn đấu để cung cấp việc làm có chất lượng cao hơn và mức lương cao hơn.

Nhiều hiệp hội người lao động đã hoan nghênh việc tăng lương, cho rằng điều công bằng duy nhất là người lao động phải được đền bù hợp lý, và 10.000 won là mức thấp nhất có thể giúp nhiều người lao động thiệt thòi có cuộc sống ở “mức tối thiểu về phẩm giá”. Nói cách khác, các hiệp hội này cho là đã đến lúc người lao động bình thường phải nhận được miếng bánh lớn hơn trong chiếc bánh to mà thời gian qua chỉ có lợi cho các công ty lớn và một nhóm nhỏ những người có thu nhập cao.

“Cái khó”

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, biện pháp thân thiện với người lao động sẽ gây khó cho nhiều công ty, nhất là các công ty nhỏ, vì họ sẽ phải chịu chi phí lao động gia tăng và tìm cách tăng năng suất để bù lại chi phí.

Trên thực tế, mức lương cao hơn báo trước sự gia tăng của lạm phát và chi phí sản xuất đối với nền kinh tế Hàn Quốc, vốn vẫn phụ thuộc nặng vào các lô hàng xuất khẩu để thúc đẩy phát triển. Điều đó có nghĩa là chi tiêu cá nhân có thể thực sự bị ảnh hưởng, mâu thuẫn với những gì mà chính phủ đang kỳ vọng. Một số người thậm chí còn bày tỏ lo ngại về chi tiêu của doanh nghiệp có thể giảm trong điều kiện như vậy. Một nghịch lý nữa là tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến sụt giảm việc làm - mà đây lại là ưu tiên chính sách hàng đầu của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Giới kinh doanh của Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ việc tăng lương mạnh như vậy, cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của họ và có thể dẫn đến việc sa thải nhân công.

Theo một cuộc điều tra hồi tháng 6 của Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, các doanh nghiệp nhỏ hơn phải gánh thêm 81.000 tỉ won chi phí nhân công nếu lương tối thiểu tăng đến 10.000 won/giờ như dự kiến. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng khoảng 42% số doanh nghiệp cho biết họ sẽ giảm công nhân, 29% phản hồi là họ có thể phải đóng cửa.

Còn theo các chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến các ngành sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn như dịch vụ chuyển phát, chuỗi nhà hàng và đặc biệt khó khăn là các nhà bán lẻ. Một số chủ cửa hàng nhỏ, đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng, đã phải vật lộn làm cả ngày và đêm để cắt giảm chi phí. Một số cửa hàng tiện lợi đang suy nghĩ đến việc không mở cửa 24/24h nữa, giảm số giờ hoặc giảm số cửa hàng, đồng thời thực hiện hệ thống tiết kiệm lao động, như thanh toán tự động và không có người thu ngân.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, tăng lương tối thiểu dự kiến sẽ thúc đẩy thu nhập và tiêu dùng của hộ gia đình, nhưng cũng đồng thời cảnh báo rằng biện pháp này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Hàn Quốc nếu không đi kèm với tăng năng suất.

“Việc tăng lương có thể tác động giới hạn đến các hộ gia đình nghèo. Có khả năng thúc đẩy chi tiêu cá nhân nếu phân phối thu nhập được cải thiện, nhưng chi tiêu trong nước bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố” - ông Kim Yong-sun - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Phát triển Hàn Quốc - nói với Hãng thông tấn Yonhap. Chuyên gia này cho biết, có thể phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để xác định xem tăng trưởng bằng cách tăng thu nhập có hiệu quả hay không.

Kế hoạch tăng lương cũng đặt ra những câu hỏi về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, vì Chính phủ Hàn Quốc chỉ dành riêng các khoản quỹ để trang trải các chi phí gia tăng vì tăng lương trong năm 2018. Trước đó, chính phủ thông báo một loạt biện pháp nhằm “để dành” 3.000 tỉ won để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, và Bộ trưởng Tài chính Kim Dong-yeon nói rằng, Seoul sẽ làm hết sức để giúp các doanh nghiệp nhỏ tuyển dụng nhiều nhân công hơn khi lương tối thiểu tăng. Chính phủ cũng cho biết sẽ theo dõi những thay đổi hoặc những vấn đề phát sinh từ gánh nặng tiền lương để đưa ra kế hoạch tiếp theo.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc, việc tăng lương tối thiểu có thể làm giảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu cá nhân vì tăng chi phí sản suất và lạm phát. Lương tối thiểu 2018 có thể làm giảm tăng trưởng chi tiêu cá nhân 0,2%, mức tăng dự kiến của lương tối thiểu có thể làm giảm mức tiêu thụ nội địa 0,55% vào năm 2019 và 0,92% vào năm 2020.

“Chúng ta cần có những biện pháp thích hợp để giảm chi phí lao động gia tăng. Các bước đi nhằm vào những khu vực bị ảnh hưởng nhất, chẳng hạn như bán lẻ, cần được nhanh chóng đưa ra” - ông Shin Yoo-ran - một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Hyundai - nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn