MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam chú trọng số hóa để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Câu chuyện đầy cảm hứng

Song Minh LDO | 28/02/2023 06:17

Cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo chung, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ SD Pradhan trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Ấn Độ đã phân tích 6 yếu tố tạo nên sự tăng trưởng kinh tế đầy cảm hứng của Việt Nam.

6 yếu tố

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, ở mức 8,02% vào năm 2022 - nhanh nhất kể từ năm 1997. Thành tích mạnh mẽ này là do Việt Nam đã ứng phó thành công đại dịch COVID-19 và căng thẳng quốc tế, khiến Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á.

Theo tác giả bài viết, có 6 yếu tố làm nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. 

Thứ nhất, Việt Nam đã thực hiện cải cách tự do hóa một cách nghiêm túc kể từ công cuộc Đổi mới năm 1986 để hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cải cách khuyến khích sở hữu tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, đã tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước. GDP bình quân đầu người tăng hơn 10 lần, từ dưới 300USD năm 1986 lên 3.409USD vào năm 2021. 

Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để bãi bỏ quy định và tiếp tục đưa ra những cải cách cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Với mức tăng trưởng GDP ổn định khoảng 7% từ năm 2000 đến năm 2022 và khoảng 3% trong thời kỳ đại dịch, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi và thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.

Thứ hai, nỗ lực cải thiện sản xuất cả ở khu vực công nghiệp và nông nghiệp cũng như thúc đẩy xuất khẩu đã mang lại kết quả tốt. Năm 2022, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,78%, dịch vụ tăng 9,99%, nông nghiệp tăng 3,36%, xuất khẩu tăng 10,6% và doanh số bán lẻ tăng 19,8%. Các ngành sản xuất và dịch vụ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Những chỉ số mạnh mẽ trong các lĩnh vực then chốt này phản ánh quỹ đạo tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, duy trì lạm phát ở mức thấp cũng là một yếu tố then chốt trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, lạm phát ở mức khoảng 4% nhờ Chính phủ đã thực hiện các biện pháp linh hoạt như kiểm soát tính thanh khoản của thị trường và kết hợp chính sách tài khóa với miễn giảm thuế đối với các mặt hàng thiết yếu và chiến lược.

Thứ tư, thu hút đủ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một yếu tố giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Những thay đổi về khung pháp lý cho đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng các dịch vụ công kỹ thuật số, đã tạo ra môi trường hiệu quả và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự ổn định chính trị của đất nước và môi trường kinh doanh thuận lợi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI.

Thứ năm, việc Việt Nam chú trọng số hóa để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh là một yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Mục tiêu của Việt Nam là kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% ​​GDP vào năm 2025. Chính phủ Việt Nam đã công bố chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025-2030 và lựa chọn 8 lĩnh vực ưu tiên cho đổi mới kỹ thuật số, bao gồm y tế, giáo dục, tài chính, năng lượng, hậu cần, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Kể từ tháng 7.2022, 25 dịch vụ công thiết yếu gồm cấp lại thẻ căn cước công dân, đăng ký thường trú, tạm trú, cấp đổi lần đầu hoặc cấp lại hộ chiếu… đã được số hóa, thể hiện ý chí mạnh mẽ chính phủ để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện về chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy các công ty công nghiệp tại Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc số hóa.

Thứ sáu, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 19,8% phản ánh tiêu dùng nội địa tăng và thu nhập của người dân cũng tăng. Tiêu dùng trong nước đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Triển vọng sáng sủa năm 2023

Tháng 11 năm 2022, Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho năm 2023, đồng thời tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời nhận diện các rủi ro để đưa ra các giải pháp khả thi, bao gồm chính sách tài chính, tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Theo tác giả bài báo, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ sáng sủa. Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra, bất chấp những bất ổn toàn cầu phát sinh từ cạnh tranh nước lớn và cuộc xung đột Nga - Ukraina. Ngân hàng UOB Singapore, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và Ngân hàng Standard Chartered, đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức từ 6,5% trở lên.

Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu có thể đặt ra vấn đề nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giống như tất cả các quốc gia khác. Theo tác giả, bốn động lực sẽ cần được thúc đẩy hơn nữa là: Đầu tư cao hơn; công nghệ quan trọng; lực lượng lao động có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng và kết nối với thị trường.

Lạm phát phải được kiểm soát và xuất khẩu sẽ phải được đa dạng hóa. Về lâu dài, Việt Nam phải đảm bảo có lực lượng lao động trẻ có kỹ năng, cần có chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề gia tăng dân số. Hơn nữa, khi hệ thống trở nên số hóa hơn, mối đe dọa đối với an ninh mạng cần được chú ý nhiều hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn