MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp Trung Quốc ghi dấu kỷ lục mới

Ngọc Vân LDO | 10/06/2021 16:18
Tập đoàn vận hành đập Tam Hiệp của Trung Quốc ghi thêm dấu ấn kỷ lục mới khi cổ phiếu trong nhóm liên quan tăng vọt sau lần đầu IPO.

Cổ phiếu của Công ty Năng lượng tái tạo Tam Hiệp tăng 44% khi ra mắt sau khi công ty huy động được 3,6 tỉ USD trong đợt IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) lớn nhất của Trung Quốc năm 2021.

Ngày 10.6, cổ phiếu của Công ty Năng lượng tái tạo Tam Hiệp thuộc Tập đoàn Tam Hiệp đã tăng lên mức tối đa hàng ngày mà sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho phép. Tập đoàn này là đơn vị vận hành đập thuỷ điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử.

Theo tờ Financial Times, công ty đã huy động được 3,6 tỉ USD trong đợt IPO lớn nhất trong nước năm 2021 kể từ vụ bán 7,6 tỉ USD cổ phiếu của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International vào tháng 7 năm ngoái.

Bước nhảy vọt trong ngày đầu tiên đã đẩy giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên 17,1 tỉ USD, theo Bloomberg.

Kỷ lục của Công ty Năng lượng tái tạo Tam Hiệp - công ty đầu tư lĩnh vực điện gió - diễn ra khi Trung Quốc phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ của chi phí nhiệt điện than.

Bruce Pang - trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng đầu tư China Renaissance - cho biết động thái này phản ánh mong muốn mạnh mẽ của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với các tài sản năng lượng xanh khi Bắc Kinh tìm cách tăng sản lượng điện gió trong sản lượng điện chung của cả nước. “Đó không chỉ là một xu hướng ở Trung Quốc mà là xu hướng trên toàn thế giới” - Pang nói.

Theo công ty, nhu cầu về cổ phiếu trong đợt IPO đã vượt cung gấp 78 lần.

Công ty sẽ sử dụng một phần số tiền bán cổ phần để trang trải gần một nửa chi phí của 7 dự án tuabin gió ngoài khơi, khi công ty cùng các công ty năng lượng tái tạo khác gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng trước khi trợ cấp của chính phủ hết hạn vào cuối năm nay.

Apple Li, nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings, cho biết: “Chúng tôi dự đoán Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc sẽ cố gắng hoàn thành các dự án trong năm nay để nhận được trợ cấp".

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm cho biết trong tuần này rằng, IPO sẽ cung cấp một khoản tiền đáng kể vào bảng cân đối kế toán của tập đoàn mẹ là Tập đoàn Tam Hiệp khi công ty con theo đuổi "kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo đầy tham vọng không dùng thủy điện" trong vài năm tới.

Ngày 8.6, Công ty Năng lượng Tái tạo Tam Hiệp đã ra mắt nhà máy điện gió nổi ngoài khơi đầu tiên ở tỉnh Chiết Giang, phía đông nam Trung Quốc. Công ty cho biết nhà máy này có thể cung cấp “năng lượng xanh và sạch cho 30.000 hộ gia đình mỗi năm”.

Không giống như tuabin gió cố định chỉ có thể hoạt động ở vùng nước nông, tuabin nổi có thể tạo ra điện ở xa hơn ngoài khơi, khai thác sức mạnh lớn hơn của gió biển.

Vào tháng 9, Trung Quốc cam kết đạt mức độ trung hòa carbon vào năm 2060, nhưng sự phục hồi công nghiệp sau đại dịch COVID-19 đã gây áp lực lên các mục tiêu môi trường của nước này. Năm 2020, Trung Quốc sản xuất số lượng thép kỷ lục và chấp thuận thêm nhiều nhà máy than mới.

Nghiên cứu năm ngoái do Wang Muyi - một nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Ember của Anh - dẫn đầu, cho thấy các khoản đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, thủy điện và điện hạt nhân mới không thể theo kịp với sự gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng điện ở Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 10.

Trung Quốc cũng đang thiếu than do hoạt động công nghiệp bùng nổ, đẩy giá lên cao. Tháng trước, một cuộc họp hội đồng nhà nước do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì đã nhấn mạnh sự cần thiết phải khai thác hơn nữa “nguồn than phong phú” của Trung Quốc, nhưng nói thêm rằng công suất điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và thủy điện sẽ được tăng lên để đảm bảo cung cấp điện vào mùa hè này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn