MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu sân bay USS Nimitz tiến vào Vịnh Ba Tư hôm 19.9 cùng với tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Princeton và Philippine Sea cùng tàu khu trục Sterett. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu sân bay Mỹ tiến vào vùng Vịnh giữa đe dọa tái trừng phạt Iran

Thanh Hà LDO | 19/09/2020 10:12
Một tàu sân bay Mỹ đã đi qua eo biển Hormuz để tiến vào vùng Vịnh hôm 18.9 trong bối cảnh Washington đe dọa thực thi các biện pháp trừng phạt với Iran.

Hạm đội 5 của Mỹ cho biết, cụm tấn công chủ lực do tàu sân bay Mỹ USS Nimitz dẫn đầu cùng 2 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và 1 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đã tiến vào vùng Vịnh để hoạt động và huấn luyện với các đối tác Mỹ cũng như hỗ trợ liên quân chống IS, AFP đưa tin ngày 18.9.

"Cụm tấn công Nimitz đã hoạt động trong khu vực hoạt động của Hạm đội 5 từ tháng 7 và đang ở trong tình trạng sẵn sàng mức cao nhất" - chỉ huy cụm tấn công - Chuẩn Đô đốc Jim Kirk - nói.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ thực thi lệnh cấm vận vũ khí và các lệnh trừng phạt quốc tế khác với Iran.

Hôm 16.9, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, Mỹ sẽ thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran bắt đầu từ tuần tới dù gần như toàn bộ các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng, Washington không có cơ sở để làm điều này, theo AFP. "Chúng tôi sẽ làm tất cả những điều cần làm để đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt đó được thực thi" - ông Mike Pompeo nói.

Mỹ thường xuyên cử các nhóm tác chiến tàu sân bay tới vùng Vịnh để tập trận và hỗ trợ các hoạt động của liên quân chống IS ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tìm cách tăng cường sức ép với Tehran thông qua hoạt động này.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran đã tăng cường các hoạt động phát triển hạt nhân kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã khởi động một quy trình 30 ngày tại Hội đồng Bảo an để tái áp đặt lại các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran vào 19.9 cũng như ngăn chặn lệnh cấm vận vũ khí thông thường với Tehran khỏi hết hạn ngày 18.10.

Tuy nhiên, 13 trong số các thành viên Hội đồng Bảo an nói rằng, động thái của Washington là vô hiệu vì Mỹ không còn là một bên trong thỏa thuận hạt nhân. Dù vậy, Mỹ tuyên bố vẫn thực hiện động thái này vì một nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 2015 vẫn chỉ định Mỹ là một bên tham gia.

Cũng liên quan tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran, Reuters đưa tin, Anh, Pháp, Đức phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 18.9 rằng, việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran, được nhất trí theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, sẽ tiếp tục sau ngày 20.9 dù Mỹ khẳng định rằng nên tái áp đặt tất cả các biện pháp.

Trong một bức thư gửi cho cơ quan gồm 15 thành viên, 3 nước Châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời là các đồng minh lâu năm của Mỹ cho biết, bất kỳ quyết định hoặc hành động nào được thực hiện để áp dụng lại các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran “sẽ không có hiệu lực pháp lý.”

“Chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để duy trì thỏa thuận hạt nhân và tiếp tục cam kết thực hiện điều đó” - các đặc phái viên của Anh, Pháp và Đức tại Liên Hợp Quốc lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn