MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu thăm dò Perseverance của NASA trên sao Hoả. Ảnh: NASA

Tàu thăm dò NASA bắt đầu tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa

Khánh Minh LDO | 10/06/2021 08:18
Tàu thăm dò của NASA chính thức bắt đầu chiến dịch khoa học đầu tiên để tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.

Tàu thăm dò NASA Perseverance bắt đầu lái khỏi địa điểm hạ cánh Octavia E. Butler vào ngày 1.6. Tàu thám hiểm rời khỏi khung cảnh tuyệt đẹp, nơi nó ghi lại hình ảnh và video về các chuyến bay của trực thăng sao Hỏa Ingenuity và đang hướng tới một địa điểm khác sẽ tiết lộ một số đặc điểm địa chất lâu đời nhất của miệng núi lửa Jezero.

Miệng núi lửa - nơi từng là hồ cổ đại cách đây 3,9 tỉ năm - có thể chứa bằng chứng về sự sống của vi sinh vật cổ đại nếu nó từng tồn tại trên sao Hỏa.

Trên đường đi, Perseverance chuẩn bị cho việc khám phá miệng núi lửa Jezero bằng cách thử nghiệm và tinh chỉnh các hệ thống lấy mẫu và điều hướng tự động. Các mẫu mà Perseverance thu thập được, có thể chứa vi khuẩn, sẽ được đưa về Trái đất vào những năm 2030.

Đường đi trong hành trình đầu tiên của Perseverance. Ảnh: NASA

Tàu thám hiểm của NASA đã đạt được một số thành tựu ấn tượng kể từ khi hạ cánh vào ngày 18.2. Nó đã thành công tạo ra ôxy trên sao Hỏa, hỗ trợ các chuyến bay đầu tiên của trực thăng Ingenuity, ghi lại âm thanh của sao Hỏa bằng micro của nó và chụp hơn 75.000 hình ảnh về môi trường xung quanh.

Jennifer Trosper, giám đốc dự án Perseverance tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết: “Trong vài tháng tới, Perseverance sẽ khám phá vùng đáy miệng núi lửa rộng 4km2. Chính từ vị trí này, các mẫu đầu tiên từ hành tinh khác sẽ được thu thập để trở về Trái đất".

Perseverance chính thức bắt đầu sứ mệnh khoa học chính của mình là nghiên cứu miệng núi lửa Jezero và tổng hợp lại lịch sử địa chất và khí hậu của khu vực, cũng như thu thập các mẫu đất đá.

Trong vài trăm sol (ngày trên Sao Hỏa) đầu tiên, Perseverance sẽ khám phá một số tầng sâu nhất và lâu đời nhất của nền đá lộ ra trong miệng núi lửa. Tàu sẽ bắt đầu với khu vực mà các nhà khoa học Jezero đã đặt tên là Séítah, có nghĩa là "giữa cát" trong tiếng Navajo. Ngoài nền đá, Séítah có đầy đủ các đặc điểm hấp dẫn như các rặng núi, đá nhiều lớp và cồn cát.

Séítah. Ảnh: NASA

Kevin Hand, một nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho tuyến đường của mình, hoàn chỉnh với các ngã rẽ tùy chọn và các khu vực quan tâm cùng các chướng ngại vật tiềm ẩn trên đường đi của chúng tôi".

Séítah, có hình dạng giống như một chiếc găng tay, không phải là không có chướng ngại vật - mà chướng ngại vật chính là cồn cát.

Hand nói: “Bắt đầu với các đơn vị địa chất ở tầng nứt nẻ và Seitah của tầng núi lửa cho phép chúng tôi bắt đầu khám phá Jezero ngay từ đầu. Khu vực này nằm dưới mực nước ít nhất 100 mét cách đây 3,8 tỉ năm. Chúng tôi không biết những tảng đá và mỏm đá nhiều lớp sẽ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện gì, nhưng chúng tôi rất vui khi được bắt đầu".

This browser does not support the video element.

Perseverance dùng máy ảnh Mastcam-Z chụp toàn cảnh 360 độ “Van Zyl Overlook”, nơi tàu đậu khi trực thăng Ingenuity thực hiện các chuyến bay đầu tiên. Video: NASA

Nhóm khoa học sẽ hướng dẫn tàu thám hiểm thu thập một hoặc hai mẫu từ khu vực này và xác định bốn khu vực quan tâm để tìm hiểu lịch sử của sao Hỏa. Chiến dịch khoa học này sẽ kết thúc khi Perseverance quay trở lại địa điểm hạ cánh, đã đi được quãng đường từ 2,6 đến 5km và đổ đầy tới 8 trong số 43 ống mẫu mà tàu mang theo.

Tiếp theo sẽ là một chiến dịch khoa học thứ hai, khi đó tàu sẽ đi về phía tây bắc đến vùng châu thổ sông cổ đại chảy vào miệng núi lửa. Giao lộ độc đáo này có thể chứa bằng chứng về cacbonat, hoặc khoáng chất có thể lưu giữ các dấu hiệu của sự sống cổ đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn